Hầu hết các tour du lịch Phú Quốc đều có một điểm đến là chùa Sư Muôn, tức Hùng Long tự. Có vài lý do khiến ta nên đến đây, nhưng có một lý do... trật lất (thường được các hướng dẫn viên vốn không phải dân Phú Quốc, nói bô lô ba la): Đây là ngôi cổ tự, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên hòn đảo này. Hùng Long tự, ngôi chùa không cổ, kiến trúc cũng khá bình thường Chùa do Thiền sư Giai Minh, thế danh là Nguyễn Kim Môn (1892-1946) khai sơn vào khoảng năm 1930 (nghĩa là cách nay chưa tới trăm năm, ngôi chùa xưa nhất ở Phú Quốc được xác định là Sùng Hưng cổ tự, xây dựng vào cuối thế kỳ 19). Chùa tọa lạc trên triền núi Điện Tiên (ấp Suối Đá), cách thị trấn Dương Đông khoảng 5 km. Thuở xưa, người dân gọi là chùa Sư Môn, hoặc am Sư Môn, riết rồi đọc trại thành Sư Muôn. Đáng nói là ngôi chùa do thiền sư Giai Minh (tức sư Môn) xây dựng đã bị người Pháp đốt rụi vào năm 1946. Chùa được xây dựng lại vào đời trụ trì thứ tư, và xây dựng khang trang như ngày nay vào đời trụ trì thứ năm, tức vị trụ trì hiện nay (khởi công 1980, hoàn tất 1982). Bước đến chùa, sẽ dễ dàng thấy ngay kiến trúc còn rất mới, không thể nào gọi là cổ tự được. Vị trí xây dựng ngôi chùa hiện nay cũng là vị trí khác, thấp hơn vị trí cũ. Từ ngôi chùa hiện nay đi lên trên là vị trí chùa cũ, gọi là chùa tổ. Chùa tổ đã bị tàn lụi, nên các vị trụ trì đời sau xây một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ để tưởng nhớ.
Chánh điện chùa Sư Muôn Cột rồng nơi chánh điện khá ấn tượng Đối với người dân địa phương thì chùa Sư Muôn nổi tiếng ở sự linh thiêng. Người dân Phú Quốc đến đây cầu xin rất nhiều và nghe nói rằng cầu gì cũng được cả (?). Ở sân chùa có một khối đá to nổi lên, và người ta tưởng tượng ra rằng đó là một con cọp nằm. Người ta dùng sơn vẽ các vằn vàng và mặt, râu cọp lên cho giống. Đồn rằng ông cọp đá này rất linh thiêng, thí dụ như muốn cầu có con trai thì sờ lên đầu cọp, muốn có con gái thì sờ phần đuôi.
Tượng Phật bên gốc cây kơ-nia Vậy đó, chùa Sư Muôn là một nơi đáng dừng chân khi có dịp đến đảo Ngọc Phú Quốc, nhưng nếu có hướng dẫn viên không phải người bản địa thì nhớ đừng nghe nó nói nhé! Phạm Hoài Nhân |
Chùa Việt Nam > Kiên Giang >