Chùa Việt Nam‎ > ‎An Giang‎ > ‎

Chùa Vạn Linh

Ngôi chùa nổi tiếng nhất vùng
núi Cấm, thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa Vạn Linh trước có tên là chùa Lá, là một ngôi cổ tự, đã qua nhiều lần trùng tu vì bị chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chùa là một quần thể kiến trúc quy mô đồ sộ, có giá trị bậc nhất trên vùng núi Cấm linh thiêng.

Lịch sử:

Người có công dựng chùa là ông Nguyễn Văn Xứng, sinh năm 1895 tại Bến Tre, đệ tử của tổ Phi Lai thuộc dòng Lâm Tế. Ngài đã xuất gia lên núi tìm thầy học đạo từ năm 1918, pháp danh là Thích Thiện Hạ Quang. Năm 1929, hoà thượng Thích Thiện Hạ Quang đã chọn đất lập am thờ Phật. Lúc đầu, am dựng bằng tranh lá đơn sơ, dần dần số đệ tử quy tụ về đông hơn, họ cùng nhau ra công góp sức tu bổ. Đến năm 1940, cái am nhỏ bắt đầu đổi thành chùa, lấy tên là chùa Vạn Linh.

Năm 1943, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn hơn và kiên cố hơn. Đến năm 1946, sau khi trở lại tái chiếm Nam Kỳ, Pháp đã phá hủy chùa. Sau năm 1954, chùa được xây dựng lại trên nền cũ. Năm 1970, chùa bị bom đạn tàn phá. Năm 1976, một cư sĩ mộ đạo Phật - tương truyền là đệ tử của hoà thượng Thích Thiện Hạ Quang - đứng ra dựng lại một cái chòi lá ngay trên nền chùa cũ và lập bàn thờ Phật để ngày đêm hương khói, gọi là chùa Lá.

Năm 1994, được chính quyền địa phương cấp phép, hoà thượng Thích Trí Tịnh - đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đệ tử của hoà thượng Thích Thiện Hạ Quang - đứng ra phụ trách việc xây dựng ngôi chùa với diện tích khoảng 6 ha. Thượng tọa Thích Hoằng Tri được cử trông coi trực tiếp việc xây dựng ngôi chánh điện, nhà tổ, bảo tháp, trai đường, lầu chuông, tháp Tổ …

Kiến trúc:


Chùa Vạn Linh tọa lạc trên một sườn núi thoai thoải, ở độ cao 550 m, trời quang thanh khiết, bốn bề lộng gió, thanh bình. Chung quanh chùa là những vườn hoa, vườn kiểng, vườn cây ăn trái và cây rừng tươi tốt bốn mùa, tạo nên một phong cảnh vừa thơ vừa thiền. Trước chùa Vạn Linh là hồ Thủy Liêm mênh mông, có sức chứa 60.000 m3 nước, cung cấp nước cho 500 hộ dân trên núi Cấm.


Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa chiền phương Đông. Trước tiền đường là ba ngọn tháp uy nghi, làm tăng thêm vẻ cổ kính linh thiêng của ngôi chùa. Ở giữa là tháp Quan Âm Các 9 tầng, cao 35 m. Bên phải là tháp hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang cao 3 tầng. Bên trái là tháp chuông chín tầng với quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn. Tháp Quan Âm Các được khởi công xây dựng vào ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19 tháng 2 năm Canh Thìn (năm 2000) và an vị các bảo tượng vào ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm 19 tháng 2 năm Quý Mùi (năm 2003). Tháp thờ nhiều vị Phật: tầng 7 thờ Xá lợi đức Phật Thích Ca tượng trưng đại hùng, đại lực, đại từ bi; tầng 6 thờ Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng đại bi; tầng 5 thờ Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng đại lực; tầng 4 thờ Bồ Tát Văn Thù tượng trưng đại trí; tầng 3 thờ Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng đại hạnh; tầng 2 thờ Bồ Tát Địa Tạng tượng trưng đại nguyện; tầng 1 thờ Bồ Tát Di Lặc tượng trưng đại từ; tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được tạc bằng đá quý của Thanh Hoá với những họa tiếc nghệ thuật đặc sắc.

Chánh điện là một gian nhà rộng vào cao. Điện Phật được bày trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do điêu khắc gia Hoàng Hữu thực hiện vào năm 1997. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng tạc bằng đá, do Phật tử Diệu Nghĩa (Việt kiều Úc) cúng dường năm 1996. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu Hộ Pháp và Tiêu Diện, được tạc bằng đá. Ở hậu điện, có phù điều Tổ sư Đạt Ma cũng bằng đá.
Tri thức Việt (http://www.vietgle.vn)
Comments