Làng nghề - Tập quán - Lễ hội - Văn hóa văn nghệ

Bài mới

  • Chợ 'chồm hổm' chỉ bán của nhà trồng được Người dân thành phố Vị Thanh từ lâu quen mua sắm trong chợ "chồm hổm", nơi tiểu thương trồng được gì là đem tới bán.Chợ nông sản Vị Thanh ...
    Được đăng 02:45 10 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
  • Chợ cá nhộn nhịp nhất Quảng Nam Hơn 15 năm qua chợ cá Tam Tiến vẫn tấp nập thuyền bè ra vào sáng sớm, buôn bán đủ loại tôm cá, cua, ghẹ tươi ngon.Hàng trăm tàu ...
    Được đăng 02:07 10 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
  • Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa Bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang ...
    Được đăng 03:23 4 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
  • Nghề luyện quặng sắt xưa ở Lò Thổi Quảng Ngãi từng có hai ngôi làng cùng mang tên Lò Thổi. Một ngôi làng nằm ở xã Bình Khương (Bình Sơn) và một làng ở thị trấn Mộ Đức ...
    Được đăng 01:11 28 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
  • Chợ Bắc, chợ Nam ở Biên Hòa Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời bậc nhất ở miền Nam. Quá trình phát triển hơn 320 năm, vùng đất này đã ...
    Được đăng 06:15 26 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Hiển thị bài đăng 1 - 5trong tổng số 23. Xem nội dung khác »


Chợ 'chồm hổm' chỉ bán của nhà trồng được

đăng 02:45 10 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Người dân thành phố Vị Thanh từ lâu quen mua sắm trong chợ "chồm hổm", nơi tiểu thương trồng được gì là đem tới bán.

Chợ nông sản Vị Thanh nằm gần cầu Cái Nhúc, đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Vị Thanh. Theo tiểu thương, chợ có từ hơn 10 năm trước, chuyên bán nông sản địa phương. Người bán thường ngồi xổm hoặc kê ghế nhỏ, bày biện hàng hóa trong khoảng hai đến bốn mét vuông quanh mình. Do đó, nơi này còn được gọi bằng cái tên dân dã là chợ "chồm hổm". Ảnh: Trần Thủ An

Tiểu thương phần lớn là nông dân, tự trồng rau củ hay phơi tôm cá mang ra chợ bán, không phải mua qua trung gian. Do đó, giá cả thường rẻ hơn những khu chợ khác tại Vị Thanh.

Chợ còn được gọi là chợ "đống" vì hàng hóa, nông sản được bày trên tấm bạt, chất thành các đống dưới đất. Riêng các loại khô, mắm được kê cao hơn cho đỡ bụi bặm.

Cá bống dừa đã được làm sạch giá từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg. Nếu muốn mua các loại cá nước ngọt tươi ngon, du khách nên đến chợ thật sớm.

Tranh thủ lúc chưa có khách, tiểu thương sắp xếp, vẩy nước cho mớ rau tập tàng tươi xanh lâu hơn. Rau tập tàng gồm nhiều loại rau dại khác nhau như nhãn lồng, đọt choại, mồng tơi, rau má, cải trời, rau dền... mọc tự nhiên, không bón phân thuốc. Mỗi loại lại là một vị thuốc Nam giúp thanh nhiệt cho cơ thể.

Một sạp hàng bán đủ thành phần của cây sen từ củ, ngó, hạt đến gương.

Chợ quê bán những món dân dã, trong đó có cả trái giác, loại mọc hoang dọc các kênh rạch. Người dân chỉ tốn công hái chứ không phải trồng. Trái giác màu xanh đậm, bóng bẩy, tròn và hơi dẹp, chuyên dùng để nấu canh chua hay kho cá. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn càng chuyển vị từ chua thanh sang chua ngọt, nên hễ ai thích vị gì thì lựa theo cỡ mà mua.

Chợ họp từ 2h đến hơn 10h là tan, đông đúc nhất từ 6h đến 8h. Chị Vĩnh Bình, 40 tuổi, đến chợ Vị Thanh mua sắm nhiều năm qua, chia sẻ: "Chợ rất nhộn nhịp và thực phẩm đều tươi ngon, giá rẻ. Bên cạnh đó, tôi rất thích hình ảnh người bán, người mua tấp nập, ngồi xổm nói chuyện với nhau, gợi nhớ lại một ký ức xưa của Nam Bộ giữa thời hiện đại".

Huỳnh Nhi

Chợ cá nhộn nhịp nhất Quảng Nam

đăng 02:07 10 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Hơn 15 năm qua chợ cá Tam Tiến vẫn tấp nập thuyền bè ra vào sáng sớm, buôn bán đủ loại tôm cá, cua, ghẹ tươi ngon.


Hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá tập kết ven biển Tam Tiến, chở cá tôm về bờ lúc rạng sáng. Ngư dân cho biết cách đây hơn 15 năm, Tam Tiến đơn thuần là nơi tàu thuyền cập bến. Về sau, khi số lượng tàu đánh cá tăng lên, thương lái cũng tập trung nhiều hơn tạo nên khu chợ sầm uất như hiện nay.


Ngoài thuyền máy, thuyền thúng là phương tiện hiệu quả để chuyển các thùng cá vào bờ.


Khoảng 4h sáng, biển trời vẫn còn đen thăm thẳm, chợ đã bắt đầu nhộn nhịp. Vụ cá nam ở Tam Tiến kéo dài từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 9, nhưng với ngư dân, vụ cá này tới khi có gió Tây Nam thổi về và kết thúc vào gió bấc.


Chợ cá trên bãi biển Tam Tiến thuộc huyện Núi Thành cách TP Tam Kỳ khoảng 15 km. Chợ chỉ họp mùa hè (vào vụ cá nam) và là nơi bán hải sản đầu mối lớn nhất của tỉnh Quảng Nam.

Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, du khách đi xe theo đường DT614 hướng ra biển Tam Thanh gặp một ngã ba. Từ đây, đi thêm khoảng 6 -7 km về phía tay phải là đến nơi.


Hải sản ở chợ đa dạng, hầu như loại nào cũng có, từ cá phèn, cá chim, cá đối, cá cơm, cá ngừ cho tới cá hố, cá nục và các loại tôm, cua, ghẹ.

“Khung cảnh lao động hăng say của mọi người ở đây là cảm hứng cho tôi sáng tác”, anh Trần Minh Trí (1989), nhiếp ảnh gia quê Quảng Nam, cho biết.


Những thùng cá cơm được bán cho thương lái và đem đi phơi. Ngư dân cho biết cá cơm, cá nục thường được khai thác bằng mành mùng (lưới vây rút trũ), nhiều hôm trúng đậm 1-2 tấn cá.


Xịa mực cơm tươi rói hấp dẫn du khách. Mực cơm còn gọi là mực sữa, dài khoảng 5-12 cm, bên trong chứa đầy trứng. Mực cơm được đánh giá là đặc sản giàu dinh dưỡng của vùng biển miền Trung.

Giá bán hải sản tại chợ khác nhau tùy loại lớn nhỏ, như cá chim 120.000 - 140.000 đồng/kg, cá nục 50.000 -70.000 đồng/kg hay mực cơm 100.000-140.000 đồng/kg. Vào dịp lễ, giá bán sẽ cao hơn ngày thường.

Nhiều người dân tại đây đầu tư các lò hấp cá, cơ sở phơi cá với quy mô lớn nên các loại hải sản như cá nục, cá cơm, mực được tiêu thụ nhanh chóng.

Huỳnh Phương - Ảnh: Trần Minh Trí

Nghề chạm bạc của người Mông ở Lao Xa

đăng 03:23 4 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Những đồ trang sức bằng bạc được làm ở Lao Xa không chỉ để người Mông trong vùng làm đẹp và thể hiện sự giầu sang trong những dịp lễ, Tết, mà còn được dùng như một vật bảo vệ sức khoẻ, mang lại hạnh phúc.

Chạm khắc bạc là nghề thủ công truyền thống, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của bà con dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Trang sức bạc là của hồi môn rất phổ biến được cha mẹ người Mông tặng con cái khi xây dựng gia đình. Vì lẽ đó, nghề chạm khắc bạc vẫn được người Mông tại đây duy trì, phát triển để tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống.

Tại Đồng Văn, ai cũng biết bản Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Vùng đất này tạo ra những sản phẩm chạm bạc nức tiếng trong vùng. Đã từ rất lâu, mỗi khi muốn đặt một món trang sức bằng bạc ưng ý, người dân địa phương, không chỉ riêng người Mông đều lên đường đến Lao Xa.

Những chiếc vòng cổ được chế tác tinh xảo bởi người thợ chạm bạc ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP

Những người thợ tại một gia đình làm nghề chạm bạc ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP

Công đoạn khò nung chảy bạc để chế tác trang sức. Ảnh: Việt Cường/VNP

Bộ dụng cụ chạm khắc hoa văn, họa tiết truyền thống trên bạc của người Mông ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP

Những nét đục tinh tế trên một chiếc vòng cổ truyền thống của người Mông do thợ chế tác ở Lao Xa làm. Ảnh: Việt Cường/VNP

Người Mông ở Lao Xa tự thiết kế những máy móc hỗ trợ các công đoạn sản xuất đồ trang sức bạc. Ảnh: Việt Cường/VNP

Ông Mua Sè Sính (67 tuổi) là nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng nhất, có thâm niên gắn bó với nghề hơn 50 năm ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP


Những bộ trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông ở Lao Xa. Ảnh: Việt Cường/VNP

Nghề chạm bạc ở Lao Xa được các thế hệ trong nhiều gia đình giữ gìn, tiếp nối qua nhiều đời. Với quan niệm giữ nghề, nghề chạm bạc chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà. Để tìm hiểu về cách thức tạo ra những sản phẩm chạm bạc độc đáo của người Mông, chúng tôi tìm đến gia đình ông Mua Sè Sính (67 tuổi). Ông là nghệ nhân chạm bạc nổi tiếng nhất, có thâm niên gắn bó với nghề hơn 50 năm.

Ông Mua Sè Sính chia sẻ, ông được ông bà, bố mẹ truyền dạy nghề chạm bạc từ khi còn rất nhỏ. Để tạo ra một trang sức bằng bạc, người Mông phải dùng những công cụ chế tác gồm: bễ thổi, khuôn đúc, các loại dụng cụ cán, các loại búa, kìm và bộ đục chạm hoa văn. Thời gian trước, nguyên liệu dùng để chế tác thường là các đồng bạc hoa xòe. Nay loại bạc này rất hiếm, gia đình ông thường phải dùng nguyên liệu bạc thông thường để sản xuất. Việc chọn đúng bạc tinh khiết, không lẫn tạp chất là điều kiện tiên quyết đề chế tác ra các sản phẩm bạc đạt chất lượng.

Các sản phẩm chạm bạc mang tính sáng tạo, thẩm mỹ cao được tạo ra ở Lao Xa có quy trình chế tác gồm rất nhiều công đoạn. Từ nung bạc, đổ khuôn, chế tác hình dạng trên đe, rồi mới được chạm khắc hoa văn, đánh bóng. Để làm chạm khắc bạc đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỷ mỉ. Hơn nữa, người thợ chạm bạc cũng phải kiên trì, cần cù, phần đấu rất nhiều năm để đạt đến kỹ thuật tinh hoa của nghề bạc thôn Lao Xa.

Các trang sức chạm bạc được làm ra từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân người Mông ở Lao Xa rất độc đáo, mang trên mình những họa tiết sinh động, đặc sắc, hút mắt người nhìn. Đồ trang sức bạc ở đây không chỉ tinh tế, mà còn phong phú về chủng loại như nhẫn, lắc tay, lắc chân, vòng cổ,…Cùng với trang phục, những sản phẩm chạm bạc từ Lao Xa đã tô điểm, tôn thêm vẻ đẹp đầy sắc màu của đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Thực hiện: Việt Cường

Nghề luyện quặng sắt xưa ở Lò Thổi

đăng 01:11 28 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Quảng Ngãi từng có hai ngôi làng cùng mang tên Lò Thổi. Một ngôi làng nằm ở xã Bình Khương (Bình Sơn) và một làng ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức). Hai ngôi làng này cách nhau hơn 50km, nhưng cùng gắn với nghề luyện quặng sắt thuở xưa. Cái tên Lò Thổi cũng từ đấy mà có.

Theo ghi chép tại Địa chí Quảng Ngãi, nghề rèn có mặt trên đất Quảng Ngãi từ rất sớm, nó gắn bó với cư dân Sa Huỳnh từ thời đại đồ sắt trước Công nguyên, cách đây trên 2000 năm. Đi liền với rèn là nghề nấu quặng sắt - nghề sản xuất ra nguyên liệu cho nghề rèn. Dấu vết để lại của sự sôi động trong nghề luyện quặng là dấu tích của các bãi phế sắt tại hai “thủ phủ” nghề luyện quặng sắt của Quảng Ngãi xưa kia là Mộ Đức và Bình Sơn. Mặt khác, "lò thổi"- loại dụng cụ đặc trưng của nghề luyện quặng sắt - dần dà đi sâu vào tiềm thức và trở thành cái tên được người xưa dùng định danh cho những ngôi làng chuyên làm nghề luyện quặng.

Từ khi xóm Lò Thổi thôi đỏ lửa, núi Đồi dần trở nên thưa vắng bước chân người vì không còn ai gồng gánh đến đây khai thác quặng. Ảnh: Ý THU

Tại thôn Trà Lăm, xã Bình Khương, khi những cư dân đầu tiên của thôn là người họ Phạm gốc ở Quảng Nam đi tìm quặng và ở lại lập nghiệp bằng nghề luyện quặng, cái tên Lò Thổi từ đấy trở thành tên của một xóm nhỏ tại đây (theo ghi chép tại sách Lịch sử Đảng bộ của xã Bình Khương - PV). Không chỉ phát triển nghề luyện quặng, xóm Lò Thổi còn phát triển nghề rèn sắt và chế tạo ra nhiều loại dụng cụ, vũ khí. Nói về vấn đề này, ông Phạm Thái Mai, một lão thành cách mạng quê ở thôn Trà Lăm, xã Bình Khương cũng khẳng định tại bản viết tay “Trà Lăm một thời để nhớ” rằng, vào năm 2009, có người dân Trà Lăm trong lúc ủi đất đã phát hiện một chiếc kìm, một thanh kiếm đang đúc dở và rất nhiều khuôn đúc... tại xóm Lò Thổi.

Còn tại làng Thiết Trường, nay là một phần của thị trấn Mộ Đức cũng có một xóm mang tên Lò Thổi, xuất phát từ việc cư dân nơi này từng làm lò thổi để luyện quặng và bán sắt. Tên xóm Lò Thổi tại Mộ Đức cũng từng là địa danh quen thuộc đi vào ca dao xưa: “Đồng Cát buôn bán sum vầy/ Ngó vô Lò Thổi thấy cây xùm xòa”. Nói đến nghề luyện quặng nơi đây, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng từng nêu trong Đại Nam nhất thống chí (tập 2) rằng làng Thiết Trường có chợ Thiết Trường, “nơi người dân địa phương làm nghề bán sắt”.

“Theo lời cha tôi kể lại, ngày xưa, xóm Lò Thổi có khá đông người dân làm nghề luyện quặng sắt. Để làm nghề này, mỗi nhà đều có các lò thổi được đắp bằng bùn, có lỗ thông gió cho khói thoát ra ngoài. Cái tên xóm Lò Thổi là từ đấy mà ra”, cụ ông Năm Hậu, ở xã Đức Tân (Mộ Đức) cho hay.

Cũng theo cụ Năm Hậu, cách thức mà những người thợ xóm Lò Thổi (Mộ Đức) ngày ấy nấu quặng cũng tương tự như cách những người thợ làm nghề đúc đồng bây giờ. Quặng thô sau khi được người dân lặn lội đi khai thác từ núi Văn Bân, núi Võng, núi Đồi và núi Khoáng (Mộ Đức) mang về sẽ được cho vào lò rồi đốt cháy cho đến khi kết lại thành những cục sắt ở đáy lò. Sau khi luyện xong, những cục sắt này lại phải tiếp tục trải qua các khâu nung, đập nhiều lần thì mới đủ điều kiện trở thành nguyên liệu cơ bản dùng để rèn nông cụ, vũ khí...

Xóm Lò Thổi giờ đã trở thành tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức nên đã không còn "cây cối xùm xòa" và cũng chẳng còn lò thổi ngày xưa. Ảnh: Ý THU

Trong chiến tranh, Lò Thổi còn là nơi gắn với hoạt động rèn vũ khí phục vụ cách mạng. Theo nhà nghiên cứu Cao Văn Chư, để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Quảng Ngãi, trong thời gian lập chiến khu Tuyền Tung (nay thuộc xã Bình An, huyện Bình Sơn), Nguyễn Tự Tân đã chỉ huy nghĩa quân, tổ chức khai thác quặng sắt tại Lò Thổi (Bình Khương) để rèn đúc khí giới. Địa danh Lò Thổi vì vậy mà được xếp vào di tích lịch sử liên quan đến phong trào Cần Vương tại Quảng Ngãi.

Từng một thời đỏ lửa và oanh liệt, vậy mà xóm Lò Thổi ở Bình Sơn và Mộ Đức bây giờ chẳng còn ai còn gắn bó với nghề luyện quặng hay rèn sắt như ngày xưa. Ngay cả cái tên Lò Thổi một thời cũng chỉ còn lưu lại như một tên gọi dân gian trong ký ức người làng. Bởi tên gọi hành chính hiện tại, đều không còn giữ lại cái tên thân thương, gắn bó với bao nhọc nhằn lẫn tự hào của lớp người đi trước. Nghề luyện quặng không còn! Trữ lượng quặng sắt dồi dào tại hai huyện Mộ Đức, Bình Sơn (lên đến 27,8 triệu tấn - theo Địa chí Quảng Ngãi) cũng dần rơi vào lãng quên. Không biết đến bao giờ, mới lại có những "lò thổi" hiện đại hơn, khẽ "đánh thức" tiềm năng khoáng sản quý giá này?

Ý THU

Chợ Bắc, chợ Nam ở Biên Hòa

đăng 06:15 26 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời bậc nhất ở miền Nam. Quá trình phát triển hơn 320 năm, vùng đất này đã trở thành nơi an cư của bao người gốc các miền Bắc, Trung, Tây. Cùng với sự ra đời của các khu dân cư, các ngành nghề, nơi trao đổi hàng hóa cũng dần hình thành tại đây.

Khách mua rau xanh ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa)

Mặc dù không có sự phân biệt rạch ròi, nhưng nếu để ý các mặt hàng ẩm thực, cách bày trí, thói quen mua bán, giao tiếp, người ta dễ dàng nhận ra chợ Bắc, chợ Nam.

* Lòng heo, thịt chó, tương bần...

Đây là những mặt hàng ẩm thực đặc trưng của miền Bắc có bán tại các chợ: Sặt, Tân Hiệp, Cổng 2, Tân Phong, Tân Mai... Bên cạnh đó là bột sắn dây, miến dong, măng khô, bóng bì. Các loại gia vị như: hạt dổi, mắm tôm, mắm chua, thính...


Ở TP. Biên Hòa có nhiều chợ mang màu sắc văn hóa vùng miền. Điều đó được thể hiện thông qua các mặt hàng ẩm thực, cách bài trí, văn hóa mua bán. Bên cạnh những chợ mang đậm văn hóa đất Bắc như: Sặt, Tân Hiệp, Tân Mai, Tân Phong..., là những chợ đậm chất Nam bộ như: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh. Ngày nay, các chợ đều có giao thoa văn hóa, giao thoa mặt hàng, giao thoa kẻ bán người mua, nhưng có những loại mặt hàng người ta phải đi đến đúng chợ Bắc hoặc chợ Nam mới mua được hàng ngon, giá rẻ.


Một trong những nơi mang đậm nét văn hóa ẩm thực vùng quê Bắc bộ nhất ở Biên Hòa là chợ Sặt (P.Tân Biên). Những người buôn bán lâu năm ở chợ Sặt cho biết, sau năm 1954, nhiều người dân gốc Bắc vào Biên Hòa định cư. Để ổn định cuộc sống, họ bắt tay làm miến khô, bánh khô, bánh chưng, bánh gai để ăn và trao đổi với người dân địa phương. Về sau, giao dịch mua bán phát triển, chợ Sặt hình thành ngay bên quốc lộ 1 và phát triển thành chợ quy mô nhất nhì Biên Hòa.

Hiện tại, chợ Sặt được xem là chợ đầu mối về các mặt hàng như: miến làm từ gạo, củ dong, củ mì; bánh quy, quẩy, bánh cá, bánh đa, bánh cuộn; bánh chưng, bánh gai. Các mặt hàng này đa phần do người dân gốc Bắc quanh khu vực Hố Nai làm ra và đưa về chợ phân phối. Ngoài ra, chợ có bán nhiều loại gia vị Bắc như: tương bần, hạt dổi, hạt mắc khén, quả sấu, khế chua, nấm hương, hành tăm. Bên cạnh đó là những mặt hàng công nghiệp như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm.

Còn chợ Tân Hiệp có đầy đủ các loại mặt hàng như chợ ngoài Bắc nhưng có xen kẽ món hàng của người Nam nên đa dạng hơn. Chẳng hạn, như cùng gia vị chát ăn kèm với món gỏi, chợ có bán cả quả sung, quả vả lẫn quả bần (đặc trưng rừng ngập mặn); chợ bán mắm cá bên cạnh mắm tôm, mắp tép; có cả xoài chín lẫn xoài non ăn kèm mắm ruốc. Chợ Tân Hiệp có mặt hàng mà hầu như các chợ Nam thậm chí chợ Bắc ở miền Nam ít nơi có đó là chó, mèo con. Nhiều người buôn bán ở chợ cho biết, trước đây, chợ có khu bán heo giống, gà giống, chó mèo giống, nhưng hiện tại chỉ còn chó và mèo. Có khi người ta bán bên trong chợ, có khi đưa ra mặt tiền Đồng Khởi để bán.

Nếu lo đi chợ Sặt phải gửi xe, đi chợ Tân Hiệp phải trả giá thì về chợ Cổng 2 (hay còn gọi chợ bộ đội, P.Trung Dũng). Mặc dù đây là khu buôn bán tự phát nhưng từ lâu người dân quanh vùng xem đây là chợ. Chỉ việc ngồi trên xe máy chạy chậm khoảng 200m là có thể mua đầy đủ các món ăn cho cả gia đình. Về thực phẩm chế biến sẵn, chợ có: chè, bánh gai, bánh chưng, bánh cuốn; nem Bắc, bê thui, dưa cà muối, thịt chó làm sẵn, lòng heo luộc chín. Về gia vị, chợ có: lá chanh, củ riềng, lá mơ, rau thì là, quả chay, quả sấu, hành tỏi Bắc, tương bần, mắm tôm, thính, mẻ. Ngoài ra, chợ còn có bán trầu cau vào những ngày rằm, mùng 1, Tết; đồ vàng mã. Ưu điểm của chợ này là người bán rất ít nói thách, người mua không phải trả giá.

* Khô, mắm - gian hàng đặc trưng ở chợ Nam

Bên cạnh những ngôi chợ mang màu sắc văn hóa đất Bắc là những ngôi chợ lâu đời đậm chất Nam bộ. Đó là các chợ: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Bửu Long... Ngày nay, giao thương phát triển, các chợ đều có sự giao thoa ngành hàng, người mua kẻ bán, tuy nhiên, nếu để ý vẫn dễ dàng nhận ra chợ Nam có gian hàng khô và mắm; thực phẩm tươi sống như ốc, tôm, cua, cá nhiều hơn thịt heo, thịt bò; không hoặc ít bán thịt chó, mèo; bưởi tính 1 chục bằng 12 trái...

Lòng heo ở chợ Tân Mai, ẩm thực đặc trưng của chợ Bắc

Chợ Biên Hòa là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Chợ có bán đầy đủ các loại mặt hàng nhưng nhiều và đặc trưng nhất là gian hàng khô và mắm. Ở đây có bán rất nhiều loại mắm làm từ cá; tôm khô, cá khô, đồ muối ngọt. Có thể kể đến mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá cơm, ba khía... giá khoảng 100-150 ngàn đồng/kg; khô cá lóc, khô cá đù, khô cá đuối, khô cá sặc... giá từ 200-500 ngàn đồng/kg; tôm khô các loại giá từ 300-700 ngàn đồng/kg. Các loại rau muối ngọt như: đu đủ, dưa leo, cà pháo vài chục ngàn đồng/ký. Người mua có thể mua cả ký, cũng có thể mua vài ngàn đồng ăn trong ngày.

Bà Lê Trần Bích Liễu, chủ quầy mắm Bích Liễu ở chợ Biên Hòa cho biết, gia đình bà buôn bán ở chợ đã hơn 50 năm. Không giống như những quầy “hàng xén” của người Bắc, bà Liễu chỉ bán khô và mắm cá các loại. “Tất cả những mặt hàng tôi bán đều lấy mối từ dưới miền Tây: khô sặc lấy từ Bạc Liêu, Cà Mau; mắm lóc, mắm linh vùng Châu Đốc (An Giang)... Trước đây, các tiểu thương ở chợ hùn xe về tận miền Tây chở hàng. Sau này, mối giao tận chợ. Tôi vừa bán lẻ, vừa bỏ mối cho các quán ăn, tiểu thương ở các chợ khác” - bà Liễu chia sẻ. Bà cho biết thêm, ngày nay, chợ cóc, cửa hàng tạp hóa, hàng quán đều bán khô, mắm nhưng những người sành ăn, mối quen vẫn vào chợ Biên Hòa mua cho yên tâm. Chợ Biên Hòa phân ra loại giá rẻ, bình dân, cao cấp.

Cạnh đó là quầy hàng khô của ông Sáu Thảo. Quầy hàng này có rất nhiều loại cá khô, tôm khô, xúc xích. Riêng mặt hàng tôm khô đã có đến gần chục loại, có loại chỉ có giá vài trăm ngàn đồng/kg nhưng cũng có loại gần triệu đồng/kg. Ông Sáu Thảo kể, mình đã gắn bó với chợ Biên Hòa từ khi còn nhỏ, những năm 1950. Hồi đó, mỗi dịp Tết ông được mẹ cho ra chợ để trông hàng vì người mua kẻ bán nhiều, chợ không có camera giám sát như ngày nay. Trong trí nhớ của ông Sáu Thảo, chợ Biên Hòa có bán nhiều đồ gia dụng làm từ chất liệu gốm, gỗ mỹ nghệ và mây tre, nhưng hiện tại còn rất ít, một số mặt hàng không còn, thay vào đó là hàng công nghiệp.

Cùng với chợ Biên Hòa, chợ Đồn (chợ Bửu Hòa, thuộc P.Bửu Hòa) nằm kế bên sông Đồng Nai cũng là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Không bề thế như chợ Biên Hòa, chợ Đồn mang nét dân dã của người dân Nam bộ. Người bán, người mua ở chợ Đồn đa phần là công nhân, dân lao động nên giá cả cũng rẻ hơn so với chợ Biên Hòa. Các mặt hàng đặc trưng: bông súng, bông điên điển, đọt bèo tây cho rau đắng, bắp chuối bào có khi được để trên cái mẹt, trong cái thau. So với các chợ Bắc ở Biên Hòa, ở chợ Đồn hàng cá, tôm, cua, ốc chiếm ưu thế hơn hàng thịt...

Hoàng Lộc

Mặc nưa - thời xa vắng

đăng 22:07 19 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Giữa trưa, tôi chạm vào mấy gốc mặc nưa, nghe trầm mặc lan sâu vào lòng. Chúng như lạc lõng giữa mảnh đất mặt tiền có giá trị cả chục tỷ đồng của phố thị. Những khoảnh đất bạt ngàn mặc nưa ngày xưa giờ đã lùi vào dĩ vãng, kéo theo thời hoàng kim của mặc nưa. Mà thật ra, mặc nưa không mang ý nghĩa cho riêng mình. Nó là “linh hồn” của “nữ hoàng tơ lụa” lãnh Mỹ A huyền thoại. Không có lãnh Mỹ A, nó chỉ là gốc cây dại ven đường. Ngược lại, thiếu mặc nưa, lãnh Mỹ A chỉ là mảnh lụa đơn thuần, vắng hẳn nét đặc sắc được truyền tụng.

Theo nhiều tài liệu, lãnh Mỹ A vang bóng một thời, niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu (An Giang). Thời thịnh nhất của loại vải cao cấp này là những năm 1950-1960, chỉ có các quý bà, quý cô thuộc gia đình giàu sang mới đủ tiền để mua lãnh Mỹ A may áo dài. Lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà còn được xuất sang Campuchia, Lào...

Lúc ấy, ở Tân Châu hầu như nhà nào cũng làm lãnh Mỹ A. Sau này, lãnh Mỹ A được “phục hưng” thành công, bằng việc được các nhà thiết kế nổi tiếng sử dụng trong nhiều bộ sưu tập các loại váy liền thân dáng suông, váy chữ A, áo vest, áo dài, trang phục dạ hội và váy cưới... làm sống lại thương hiệu lãnh Mỹ A, mang hồn quê ra khỏi phạm vi đất nước một lần nữa.

Quy trình dệt, nhuộm vô cùng phức tạp, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được dệt từ tơ tằm 100% bằng phương pháp dệt satin 8 và nhuộm từ trái mặc nưa. Mỗi cây hàng (25m) cần đến 90kg trái mặc nưa. Trái mặc nưa được ưa chuộng nhất là loại già vừa phải, màu xanh hơi ngả vàng. Màu vàng đậm hơn thì sẽ bớt mủ. Nhuộm mặc nưa kỳ công vô cùng, các quy trình được đúc kết từ trăm năm trước, từ những “bàn tay đen” lão luyện trong nghề.

Mặc nưa được nghiền thành bột, rây kỹ, pha với nước, tạo thành chất mủ đặc quánh, màu chuyển dần từ vàng sang đen. Vải được nhuộm, phơi, đập, nhuộm… liên tục trong ít nhất 1-2 tháng liên tục mới cho ra tấm vải nhuộm mặc nưa thành phẩm. Mỗi thước vải thấm đầy nắng gió, mặn mòi công sức của con người, chất chứa bao tinh hoa của quê nhà, trở thành tuyệt tác bền đẹp theo thời gian.

Mặc nưa trái mùa ít ỏi trên cành

Cô Lê Thị Kiều Hạnh (sinh năm 1958, ngụ khóm Long Hưng, phường Long Châu, TX. Tân Châu) rời làng dệt Long Khánh (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), theo duyên nợ vợ chồng về xứ Tân Châu hơn 40 năm trước. Trong ngần ấy năm, xưởng dệt lãnh Mỹ A của ông nội chồng được truyền sang cha chồng, rồi đến phiên cô gánh vác. Thời hoàng kim của lãnh Mỹ A chỉ có thể hình dung bằng hình tượng “xóm bàn tay đen”.

Nhà nhà có xưởng, người người làm nghề dệt, nhuộm. Mặc nưa quấn quýt lấy đời họ, vào đôi bàn tay họ, đen từ bàn tay dài lên đến khuỷu. Nghỉ nhuộm cả chục năm, cánh tay vẫn còn in hằn màu sắc đặc trưng ấy. Qua bao thăng trầm, cơ sở Hồng Ngọc của cô bám trụ đến nay, là địa điểm khách du lịch xa gần tìm tới, là nơi hiếm hoi còn lãnh Mỹ A để khách được trải nghiệm chạm vào từng tấc lụa huyền bí.

Khúc lãnh Mỹ A sang trọng đắt tiền, được nhuộm từ mặc nưa

Họ còn rất nhiều ý tưởng để duy trì và phát triển thương hiệu lãnh Mỹ A. Nhưng chính cô cũng không biết mình có thể bám trụ với nghề đến bao giờ, khi đầu ra cho sản phẩm thì thênh thang, mà đầu vào thì chắt chiu, ít ỏi. Cây mặc nưa giờ rải rác, thương lái tìm kiếm bẻ về, được chăng hay chớ. Chưa kể thời tiết thay đổi, nắng nóng phá vỡ quy luật tự nhiên, đến tháng 8 (âm lịch )mà mặc nưa chỉ có vài trái buồn hiu, không còn cảnh cho trái trĩu cành từ tháng 6. Nhu cầu là 10, mà khả năng cung ứng chỉ 1-2, nên sản lượng lãnh Mỹ A cũng theo đó bị hạn chế.

“Hồi tôi còn trẻ, nhà chồng có mấy mảnh đất, mặc nưa mọc đầy bên hông nhà, phía sau hè, hái thoải mái. Còn bây giờ, chỗ này có mấy cây, chỗ khi có vài trái. Thương lái đi mua ở vùng biên Campuchia, ngược xuôi khắp nơi mới có đủ mặc nưa để nhuộm. Chuyện dễ hiểu, giá trị của mặc nưa rất thấp, còn đất thì mắc lên từng ngày. Ai hơi đâu để mặc nưa mọc hoang phí!” - cô Hạnh tiếc nuối.


Ngộ lắm, dường như mặc nưa sinh ra chỉ để dành trọn vẹn nghĩa tình cho lãnh Mỹ A. Một loại thực vật dân dã, hầu như chẳng có giá trị về mặt kinh tế, không có công dụng nào khác, mà trăm năm ghi dấu một giá trị vượt bậc của xứ lụa. Lãnh Mỹ A có đặc tính mặc ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Lãnh luôn có một mặt bóng và một mặt mờ. Bề mặt lãnh mịn màng, đen bóng, không phai theo thời gian, thậm chí dùng lâu càng trở nên bóng hơn. Người ta chưa tìm ra được loại nào có nhiều đặc tính riêng có như mủ của trái mặc nưa: vừa là chất dính tự nhiên, không có chất cầm màu mà vẫn bám rịt màu đen huyền bóng mượt cho vải. Nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm ra loại nguyên liệu thay thế cho mặc nưa, nhưng kết quả chẳng khả quan.

Hôm ấy, anh Trần Minh Trung (con của cô Hạnh) dắt chúng tôi ra mảnh đất sau nhà, nơi họ cẩn thận trồng 10 gốc mặc nưa. Nghe có vẻ nhiều, nhưng nếu đến mùa, trái chỉ hái được chừng vài ký, bõ bèn gì đâu! Vậy mà, cứ nghĩ đến cảnh mảnh đất này rồi sẽ được bán đi, họ lại tiếc nuối. Chắc về sau, mấy cây mặc nưa lại bị chông chênh di chuyển một lần nữa, để lại những dấu lặng như tiếng thở dài của một thời xa vắng. Mặc nưa nhiều năm bị con người ruồng bỏ, để rồi con người lại bị mặc nưa quay lưng…

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Về làng chao hến bên bờ sông La

đăng 05:54 17 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Bên bờ sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có ngôi làng đặc biệt từ hàng trăm năm nay gắn liền với... hến. Về đây, tiếng bước chân bì bõm đan xen với những câu tán gẫu, động viên nhau làm việc tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi...



Bến Hến – địa danh hình thành từ rất lâu đời ở xã Trường Sơn, Đức Thọ như đã mặc nhiên nói đến sự gắn bó của con hến dòng nước sông La với người dân nơi đây. Đặc biệt hơn, ở đây còn có đền thờ ông tổ của nghề làm hến - đền Làng Cào.


Qua giêng, khi tiết Nàng Bân còn chưa đến, người làng Bến Hến đã kéo nhau xuống sông, vượt cái lạnh, rét mướt để đi tìm con hến. Những người đàn ông lực lưỡng, vạm vỡ trong làng thức dậy từ sớm, giong thuyền vượt sông La lên đến hạ nguồn Ngàn Sâu tít tận xã Đức Liên, huyện Vũ Quang để cào hến.


Ngày trước, hến sông La còn nhiều nên người dân không phải vất vả đi xa tìm. Nhưng, theo năm tháng, nguồn hến cạn dần nên việc đánh bắt khó khăn hơn. Để thuận lợi, nhiều phu hến chấp nhận để thuyền ở khu vực đánh bắt, rồi hằng ngày đi lại bằng xe máy vài ba chục cây số từ nhà ra “điểm hẹn”.


Trên sông Ngàn Sâu, sau khi lũ qua đi để lại phù du tươi tốt là nguồn thức ăn tự nhiên giúp hến sinh sôi nảy nở. Phu hến mò bắt hến trưởng thành bằng cào răng tre hoặc cào sắt. Đó là dụng cụ có răng tre, vót nhỏ hơn chiếc đũa, đan hình cánh cung rẻ quạt và có đáy để giữ lại hến ở trong cào.


Nếu tính trung bình một ngày, khi thời tiết thuận lợi và may mắn, mỗi phu hến có thể “săn” hàng tạ hến, đạt thu nhập 500 nghìn đồng; còn trung bình, mỗi ngày thu về khoảng 250 - 350 nghìn đồng. Bởi vậy, nghề làm hến bây giờ có thu nhập tương đối khá. Nhiều gia đình “sống khỏe”, nuôi con cái học hành thành tài cũng nhờ vào hến.


Dù không quá vất vả như cánh đàn ông nhưng chị em phụ nữ ở thôn Bến Đền (xã Trường Sơn) cũng có mức thu nhập tương đối khá. Khi con hến về nhiều, có người thu về hơn 500 nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng/ngày từ hến thương phẩm. Dọc bờ sông La, mỗi gia đình dựng lên một cái lều nhỏ, trong đó chỉ có bếp và củi dùng để luộc hến. Cứ tờ mờ sáng hoặc chớm chiều, cả dãy lều lại nghi ngút khói, ấy là lúc bà con bắt đầu công đoạn luộc hến.


Chị Đoàn Thị Hương bước sang tuổi 37 thì cũng có đến ngót nghét 30 năm tuổi nghề. “Cả làng này đều làm hến, chúng tôi biết chao, đãi từ nhỏ để phụ giúp ông bà, cha mẹ. Lớn lên, lấy chồng cùng thôn nên tôi tiếp tục gắn bó với nghề này” – chị Hương chia sẻ.


Cũng theo chị Hương, việc luộc, chao hến không khó, cũng không có kỹ thuật gì phức tạp. Hến sau khi được đánh bắt phải ngâm nước để nhả bùn, nhặt sạch sạn, rác; sau đó rửa sạch và luộc sơ để nhả ruột.


Khi luộc hến đòi hỏi lửa phải to để nước vừa sôi trong thời gian ngắn đủ để hến há miệng nhưng con không bị nhừ, nát. Cả ruột và vỏ hến đều chìm nhưng phần thịt nhẹ hơn vỏ, khi chao dưới nước, ruột sẽ nổi lên nên chỉ cần nhanh tay hất phần ruột hến sang rổ khác. Công việc cứ tiếp tục nhiều lần cho đến khi tách ruột và vỏ hến .


Một người phụ nữ trong ngày có thể đãi 10 mớ hến (tương đương khoảng 1 tạ hến vỏ hoặc 1 yến hến thương phẩm). Giá hến hiện tại dao động từ 120 – 150 nghìn đồng/kg, ngoài ra, giá con dắt (giống con hến nhưng nhỏ hơn) khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg. Người đãi hến thường làm vào thời gian rạng sáng hoặc đầu buổi chiều.


Không chỉ bán ruột hến, bây giờ, người dân còn bán được cả vỏ hến để làm thức ăn chăn nuôi, làm vôi và bán cả than củi sau khi luộc hến. Theo người dân, việc bán những phụ phẩm này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.


Vừa đều tay chao hến, chị Duyên vừa nói, hôm nay khách đặt trước hơn 3 yến hến nhưng chỉ được khoảng 1/3. Hến chúng tôi giờ đã trở thành đặc sản nhưng lại ngày càng hiếm nên không lo về đầu ra. Làm được chừng nào khách lấy hết chừng đó. Hến Đức Thọ được nhiều người khắp nơi biết đến, khách hàng không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn cả những tỉnh khác, đặc biệt là Nghệ An.


Phần lớn hến được tiêu thụ tại chợ Hôm (thị trấn Đức Thọ), mỗi ngày phải có đến hàng chục người buôn bán hến ở đây. Chị Xuyên – một tiểu thương cho hay, buổi sáng sẽ có đông người bán hơn buổi chiều. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được từ 20 – 30 kg hến ruột. Ngày nhiều thì khoảng 50 kg. Hến hiếm có phiên ế chợ. Thu nhập hằng ngày cũng được khoảng vài trăm nghìn đồng.


Hến có thể làm nhiều món như canh hẹ, canh rau vặt, canh mít, xào giá đỗ… Hến ở đây đặc biệt vì vị ngọt, mát. Khách hàng còn đặc biệt ưa chuộng vì hến là thực phẩm sạch, được làm thủ công hoàn toàn và sống trong môi trường tự nhiên. Nếu ngày xưa hến là món ăn dân dã của bà con nông dân thì giờ đã được nâng tầm lên đặc sản, vào hẳn khách sạn, nhà hàng sang trọng – bà Đoàn Thị Hồng (58 tuổi, ở thôn Bến Hến) chia sẻ.


Là một trong những cao niên còn theo nghề, bà Hồng canh cánh, lo nhất là thiếu nguyên liệu, thực tế là nguồn hến đang dần cạn kiệt. Thứ nữa, điều mong mỏi lớn nhất của người làng Bến Hến là sản phẩm có được tên tuổi, thương hiệu. Có vậy mới nâng tầm sản phẩm lên được.

“Còn một điều nữa, tôi không biết nên lo hay nên mừng, bây giờ theo nghề hến phần đa là người đã luống tuổi. Thanh niên trong thôn chỉ học nghề cho biết thôi. Tôi vui vì các cháu được học hành, đi ra sẽ kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập khấm khá hơn và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Nghĩ vậy, nhưng chúng tôi cũng lo không có thế hệ nối nghiệp, làng nghề hàng trăm năm có ngày mai một hay không?” - bà Hồng chia sẻ.


Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Phan Tuấn Anh cho biết, nghề làm hến ở địa phương đã giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, nhiều hộ đã giàu lên. Hiện còn khoảng 80 hộ dân trên địa bàn đang bám nghề. Dù là nghề truyền thống lâu đời nhưng có những năm “mất mùa”, hến nguyên liệu rất ít. Hến cũng không có quanh năm mà chỉ tập trung chủ yếu vào mùa xuân và mùa hè. Do đó, chính quyền tuy đã tính đến việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu riêng nhưng lại gặp khó khăn.

Đức Thiện – Dương Chiến

Khu chợ có cái tên "độc, lạ" bán đủ loại "thượng vàng, hạ cám" ở Hà Nội

đăng 03:47 21 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 06:59 29 thg 3, 2021 ]

Chợ Trời (hay chợ Giời) là một khu chợ ở giữa trung tâm thủ đô Hà Nội với cái tên nghe vừa dân dã, vừa có tí chút "giang hồ".

"Hàng gì có ở trên đời, cứ đến chợ Giời là có" là câu cửa miệng của con buôn khi nhắc tới sự phong phú của hàng hóa tại khu chợ tồn tại đã lâu trên địa bàn hai phường giáp ranh Đồng Nhân và Phố Huế (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đây là nơi buôn bán đủ loại hàng, từ cái đinh, con ốc vít, cục pin đồng hồ đến cả hàng điện tử, điện lạnh... trong đó có không ít là linh kiện "độc" đã không còn sản xuất. Nhưng muốn mua được hàng xịn, bền với giá rẻ tại khu chợ này thì không dễ. Đó là lí do, sau nửa thế kỉ tồn tại, chợ Trời ( hay chợ Giời ) vẫn được gắn kèm cái mác "bán đồ rởm, lấy tiền thật".

"Đặc sản nổi tiếng" của chợ Trời Hà Nội mà người mua tại đây ít nhiều đã từng "thưởng thức" đó chính là mua phải đồ rởm với cái giá tưởng là hời.

Nhiều tiểu thương không ngần ngại bật mí: một phần không nhỏ hàng hóa ở chợ Trời là hàng nhái, kém chất lượng được trộn bán vào cùng các mặt hàng khác.

Theo tìm hiểu của PV, chợ được hình thành từ thời kì Pháp thuộc và được phát triển mạnh mẽ vào thời kì năm 1954 - 1955, do một số người dân tản cư vào miền Nam có nhu cầu cần phải bán các tài sản trong gia đình.

Từ đó chợ Trời được hình thành, mở rộng và phát triển cho đến ngày nay. Hiện nay, chợ họp từ khoảng 8h sáng đến 19h tối. Hầu như, mọi người dân Hà Nội đều đã quá quen với cái tên "chợ Trời" mà quên đi tên thật của chợ Trời là chợ Hòa Bình.

Quên đi cái tên gốc mà gọi bằng cái tên chợ Trời một phần cũng vì ở đây người ta buôn bán đủ các mặt hàng từ USB, chuột máy tính, loa điện tử, đến các mặt hàng lớn hơn như linh kiện ô tô, phụ tùng xe máy, thiết bị điện máy… nhưng lại được bày bán, phơi giữa trời.

Các mặt hàng tại chợ Giời hết sức phong phú và đa dạng với đủ các loại "thượng vàng hạ cám" để khách có thể lựa chọn bất kỳ một món hàng nào. Thậm chí, khách hàng có thể mua một chiếc bi đông, chiếc đèn dầu, các sản phẩm đồ giả cổ cho đến các loại máy móc, linh kiện điện tử phức tạp nhất.

Chợ Trời bày bán nhiều mặt hàng từ đồ điện nhỏ lẻ tới phụ tùng ô tô, máy công nghiệp. 

Các gian hàng trong chợ Trời nằm san sát. Ở đây có không ít món đồ tưởng chừng đã "tuyệt chủng". 

Không ít người mang hàng đến chợ Trời và bán "giữa trời" như thế này.

Trong nhiều sạp hàng cũ kĩ tại đây có bán những thứ đồ cổ mà không đâu ở Hà Nội có. 

Thượng vàng hạ cám, không gì ở chợ Trời không có, kể cả... quan tài.

Nhiều người từng đến chợ Trời truyền tai nhau: Khu chợ này không dành cho khách hàng "yếu tim". Đến đây mua hàng, người mua phải sành sỏi, tỉnh táo, am hiểu về thứ cần mua để không bị ép giá hay "lừa bán đồ giả".

Chợ Trời cũng là khu chợ "dính" nhiều lùm xùm tiêu thụ đồ ăn trộm, ăn cắp. Đó là lí do, nhiều người bảo nhau rằng, ai bị mất thứ gì, cần cái gì (đồ ăn cắp) cứ ra chợ Trời Hà Nội hỏi là sẽ "chuộc" hoặc mua được.

Đã từng có thời kỳ chính quyền muốn dẹp chợ Trời, và đã từng chuyển chợ Trời lên phố Phùng Hưng. Tuy nhiên khu chợ này vẫn tồn tại ở đây vì nhu cầu trao đổi thật sự tồn tại và vùng đặt chợ vốn đã thành "đất quen", không dễ thay đổi.


Hiện nay, chính quyền ngày càng quyết liệt loại bỏ bán hàng không rõ nguồn gốc tại chợ Trời.

Dù có những lùm xùm không hay nhưng không thể phủ nhận, khu chợ này đã gắn bó với nhiều người tiêu dùng Thủ đô.

Hiện nay, khu chợ đang thay đổi nhiều, trở nên văn minh, tích cực hơn; hàng hóa đa dạng và được kiểm soát kĩ càng hơn.

Nhiều thứ tưởng như phế thải bỏ đi lại trở thành "có giá" ở chợ Trời.

Chợ Trời Hà Nội được hình thành từ thời bao cấp, tính đến nay đây là ngôi chợ tạm lâu đời nhất Hà Nội vẫn còn hoạt động, với tuổi đời lên đến 60 năm. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay chợ còn bán thêm các sản phẩm mới tinh bên cạnh đồ cũ.

Toàn Vũ

Lễ cúng sức khỏe cho voi

đăng 01:17 19 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Với người Mnông, Ê Đê sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, voi không chỉ là tài sản quý giá của gia đình mà còn được xem là người bạn, là thành viên trong gia đình. Vì vậy mà hàng năm, những gia đình có voi thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng độc đáo này không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nhắc nhở nhau phải trân trọng, chăm sóc, bảo vệ voi.

Ông Đàm Năng Long, sinh sống tại huyện Lắk chia sẻ: “Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn”. Tùy theo từng dân tộc, điều kiện kinh tế của gia đình chủ voi sẽ có những cách cúng khác nhau, lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mang ý nghĩa cầu sức khỏe cho voi, để voi đỡ đần, gánh vác những phần việc nặng nhọc cho con người. Đồng thời nhắc nhở con người phải biết trân quý, chăm sóc loài voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường có những vật phẩm quen thuộc như: rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo, bắp tươi, hoa tươi, chuối, một ít gạo, cá khô và thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho voi.

Thầy cúng dẫn đầu đoàn rước tiến hành nghi thức bắt đầu lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ

Thầy cúng làm phép cho những chiến binh (giờ là nài voi). Ảnh: Trịnh Bộ

Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ

Những chú voi quây quần bên cây nêu chuẩn bị làm lễ. Ảnh: Trịnh Bộ

Sau nghi thức cúng sức khỏe, buôn làng mở tiệc hoa quả thưởng cho những chú voi. Ảnh: Công Đạt

Những nài voi chuyển nhau vật tế để thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Tất Sơn

Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nơi có đàn voi nhà lớn nhất nước đang sinh sống, người dân thường tổ chức cúng sức khỏe tập thể cho voi. Thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của dân tộc. Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Nhiều làng sang trọng còn làm trâu ăn mừng cho lễ cúng sức khỏe tập thể cho đàn voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường diễn ra vào dịp cuối hoặc đầu năm âm lịch. Lễ cúng với ý nghĩa chính là cầu sức khỏe cho voi, nhắc nhở mọi người chăm sóc, bảo vệ voi và chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh của mỗi dân tộc.

Bài và ảnh: Tất Sơn - Trịnh Bộ - Công Đạt

Dàng Then, lễ hội cấp sắc độc đáo của người Tày

đăng 00:30 19 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan

Dân tộc Tày là cư dân bản địa cư trú sớm nhất ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc tổ quốc. Bà con có bề dày truyền thống văn hóa mà lễ hội Dàng Then là lễ hội rất tiêu biểu trong đời sống tín ngưỡng.

Một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian

Dàng Then là một chắc sắc mặc định trong đời sống tín ngưỡng dân gian của người Tày cư trú ở một làng, một vùng cụ thể có tài cao hiểu rộng về cúng bái và hát xướng.

Dàng Then đứng ra chủ trì tổ chức lễ hội một khi ước lệ được trời cấp cho tờ sắc để làm Dàng Then hoặc nâng cấp sắc này trở thành ngày hội sôi nổi, háo hức của cả một vùng người Tày rộng lớn với nhiều làng bản tham gia.

Thầy then phát bùa chú và buộc chỉ đỏ mong muốn bình an, tài lộc tới mọi người . Ảnh: Ngọc Thành

Nhà Then khi đứng ra chủ trì tổ chức chủ chuẩn bị một con lợn và năm chục cân gạo. Còn lại mọi chi phí bổ sung thêm là do sự tự nguyện đóng góp của cộng đồng và những người đi xem hội. Cũng chính vì thế lễ hội Dàng Then vượt ra khỏi phạm vi nhà Then trở thành lễ hội của quần chúng nhân dân trong cộng đồng làng bản, lễ hội đã tiếp cận nhu cầu thỏa mãn đời sống tâm linh, nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của người dân.

Trình tự của lễ hội Dàng Then

Bắt đầu lễ hội là các nghi thức tẩy rửa bàn thờ, dùng nước lá thơm làm thiêng cõi lễ, chỉnh trang điện thờ phù hợp với tín ngưỡng tâm linh. Sau đó dùng hai cây trúc để từ gốc rễ tới ngọn bắc ngang trên và trước bàn thờ tổ làm cầu hào quang. Cầu này có nhiều nhịp càng lễ trong càng tăng nhịp, mặt cầu phủ kín vải tấm hai màu đen trắng.

Thầy then chuẩn bị làm lễ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (tháng 11/2019) . Ảnh: Ngọc Thành

Tiếp đó, lễ hội lập phủ Thành Lâu và lọc vía hào quang bằng các khúc hát lên trời xin cấp sắc độ dài khoảng 1242 câu thơ. Tổ chức nơi bãi rộng có lễ đài để hát xướng. Dưới lễ đài bày các mâm cúng.

Cuối lễ có nội dung cấp sắc cho Then. Đây là chứng chỉ công nhận người được cấp sắc phong là Then theo thứ bậc từ thấp đến cao. Sau đó nghi lễ sát hạch Then theo bài bản 435 câu thơ hỏi đáp và đạo đức ứng xử của Then.

Thầy then và các học trò tiến hành làm lễ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (tháng 11/2019) . Ảnh: Ngọc Thành

Phần nghi lễ được kết thúc bằng đội mũ cấp sắc, xác lập môn đệ của Then và phong bạt tại hội lễ để diễn trò vui, nối tiếp những khúc hát Then đàn tính âm vang lễ hội. Trong lễ hội, người dự lễ thưởng thức các giá trị ẩm thực dân tộc bánh chay, xôi ngũ sắc…

Giá trị nhân văn của lễ hội Dàng Then

Then của người Tày không buôn thần bán thánh và hành nghề mê tín dị đoan. Then là người có hiểu biết, có uy tín và là người hướng dẫn thực hiện nghi thức, nghi lễ. Được người dân tôn trọng và cậy nhờ giao tiếp với cõi tâm linh khi cần thiết.

Trong tín ngưỡng của người Tày, thầy Then sử dụng chiếc ấn để đóng vào lá bùa và làm lễ với các sợi dây chỉ đỏ để trừ tà . Ảnh: Ngọc Thành

Lời hát lễ hội Dàng Then là những giáo lý răn người ta không sát sinh, không ẩu đả, không vu khống đặt điều, không bất kính, bất hiếu, không bất chính trong hôn nhân, không để mất tình ruột thịt…

Nghệ nhân quần chúng chuẩn bị đồ cúng trời đất tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (tháng 11/2019) . Ảnh: Ngọc Thành

Các khúc hát lễ hội Dàng Then theo tiếng đàn tính và dàn nhạc bộ gõ, bộ dây, bộ hơi dân gian dân tộc. Các làn điệu Lượn nàng hai, hát phù thuỷ, khỏa quan được sử dụng linh hoạt, uyển chuyển.

Ban thờ trong nhà được trang trí hai tầng với nhiều lễ vật . Ảnh: Ngọc Thành

Lễ hội Dàng Then là một di sản văn hóa dân gian độc đáo của người Tày ngày nay được bảo tồn trong cuộc sống của đồng bào.

Ngô Quang Hưng

1-10 of 23