Chùa Mahatúp (Khmer)

Cổng chùa

Chùa Mahatúp

Tên thường gọi:
Chùa Dơi

Chùa thường được gọi là chùa Dơi, tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. ĐT: 079.822233. Chùa thuộc hệ phái Nam tông (Khmer).

Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI, đã được trùng tu nhiều lần. Gần đây, nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong hai năm 1994 – 1995.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, chính giữa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca thành đạo bằng đá, cao 1,50m, ngồi trên bệ cao 1,9m. Phía trước, thờ hai pho tượng đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (có tài liệu gọi là tượng Phật khuyến thiện) đứng trên đài sen, giữa là tượng đức Phật trong tư thế sư tử ngọa và níp bàn (Phật giáo Bắc tông thường gọi là tượng đức Phật nhập Niết bàn).

Ngôi chánh điện

Tượng Krud

Chung quanh vách ngôi chánh điện, có nhiều tranh của họa sĩ Thạch Thôn vẽ minh họa cuộc đời của đức Bổn sư từ sơ sinh đến nhập níp bàn. Có bức tranh rất lớn như tranh đức Phật Thích Ca đi từ thiên đàng xuống, có chiều cao 5m, chiều ngang 3,8m.

Chùa còn lưu giữ nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt.

Kinh Phật viết trên lá thốt nốt

Chiếc ghe ngo của chùa

Cạnh nhà sala có một căn nhà đặt chiếc ghe ngo dùng trong hội đua ghe ngo trong ngày lễ Ok Oom Bok (lễ cúng trăng hoặc lễ đút cốm dẹp) được tổ chức vào ngày 15 tháng 10 âm lịch để tưởng nhớ công ơn mặt trăng vốn được người Khmer coi là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi.

Ở tất cả nhánh cây trong vườn chùa, nhất là khu vực phía sau ngôi chánh điện, từ rất lâu, đã có những đàn dơi rất đông đến sinh sống. Các nhà sư ở đây cho biết, hàng vạn con dơi khắp nơi trong vùng đã bay về ở đây từ khi chùa mới được tạo dựng. Cứ mỗi đêm, chúng bay đi kiếm ăn. Và khi chùa bắt đầu tiếng chuông tụng niệm thời kinh vào sáng sớm, chúng lại về chùa. Chúng không hề ăn trái cây trong vườn chùa và cảm thấy chùa là nơi chúng trú ngụ an ổn nhất.

Đàn dơi ở vườn chùa

Chùa Dơi là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Nam Bộ xưa nay.


Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường