Chùa Pháp Vân

Toàn cảnh chùa

Mặt tiền chùa

Tên thường gọi:
Chùa Dâu

Chùa thường được gọi là chùa Dâu, tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh  Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa Pháp Vân cùng các chùa Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hợp thành chùa Tứ Pháp. Ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần: chùa Pháp Vân thờ Bà Dâu, chùa Pháp Vũ thờ Bà Đậu, chùa Pháp Lôi thờ Bà Tướng, chùa Pháp Điện thờ Bà Dàn.

Chùa được xây dựng vào khoảng đầu Tây lịch ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu, là một trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất. Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) – người Nam Thiên Trúc, sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo – đã đến chùa vào tháng Ba năm Canh Tý (580), mở đạo tràng thuyết pháp, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam.

Chùa đã được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra dựng lại với quy mô lớn vào thế kỷ XIV và được trùng tu nhiều lần ở các thế kỷ sau.

Ở tòa thượng điện còn một số mảng chạm khắc của thời Trần, thời Lê. Ở đây còn có tượng Bà Chúa Trắng Trương Thị Ngọc Chử và tượng Bà Hậu Khe Nguyễn Thị Cảo. Tượng Thái phi Ngọc Chử (1666 – 1750) được tác dạng bán khỏa thân tọa thiền trên một tòa sen. Bà là mẹ của An Đô Vương Trịnh Cương (1685 – 1729) là vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị. Bản thân Bà cũng đã cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình văn hóa dân tộc như chùa Hàm Long, chùa Hồ Thiên, chùa Bút Tháp, chùa Pháp Vân…

Chùa có tháp Hòa Phong nổi tiếng, tương truyền có 9 tầng, nay chỉ còn 3 tầng, được đại trùng tu vào năm 1737. Ca dao xưa có câu:

Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Tháp Hòa Phong

Cừu đá

Chùa Pháp Vân là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay, được xem là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin  công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Chùa Việt Nam - Xưa và Nay
Võ văn Tường

Comments