đăng 02:20 18 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Đặt chân đến bản Sin Suối Hồ ở xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách sẽ đều bị cuốn hút bởi cảnh sắc hữu tình và những phong tục tập quán truyền thống của người Mông vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu, mang lại sự đổi thay đáng kể cho đời sống người dân nơi đây.
Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển bản Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Cái tên ấy đủ gợi lên cho du khách về một bản nhỏ bình yên, đầy cây trái với những thác nước, khe suối rì rào suốt đêm ngày. Gọi là suối vàng, bởi Sin Suối Hồ có gốc tiếng Quan Hỏa mà chữ sin tức kim nghĩa là vàng. Cái suối này nghe nói, có rất nhiều vàng, nhưng xưa nay dân bản không ai đào, đãi gì ở đây, nó được bảo vệ nguyên vẹn, sơ khai.Ở Sin Suối Hồ có 10 hộ gia đình làm homestay; mỗi homestay đều có cổng chào, biển báo bằng gỗ với dòng chữ tết bằng dây thừng hoặc dây mây ghi số điện thoại, các dịch vụ, tên chủ nhà... Mọi thứ đều thân thiện với thiên nhiên. | Bản Sin Suối Hồ được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh đẹp đến ngỡ ngàng. Đường lên thác Trái Tim phải đi xuyên qua một khu rừng nguyên sinh, dọc theo con suối Vàng. Từ trung tâm bản lên thác dài độ 1.500 m, nhưng phải luồn rừng, leo dốc. Từ năm 2015, cả bản đã huy động tất cả các hộ tập trung xuống suối bê từng hòn đá cuội lên xếp thành con đường độc đáo, nên đi lại dễ dàng hơn, vừa đi vừa thưởng thức, nhấm nháp cái hoang sơ nơi rừng già của thiên nhiên.
Khu rừng nguyên sinh quanh bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Tất Sơn/VNP
Thác Trái Tim ở bản Sin Suối Hồ là điểm đến tuyệt vời cho du khách. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP
Du khách mặc những bộ trang phục của người Mông bản địa, hòa mình vào thiên nhiên, khám phá rừng nguyên sinh và thác Trái Tim ở Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Luân / VNP
Sin Suối Hồ còn có những ngôi nhà tổ chim được đặt trên cây cổ thụ để phục vụ du khách yêu thích trải nghiệm với thiên nhiên. Ảnh: Tất Sơn /VNP
Những hàng rào đá được người dân tự tay làm trải dài quanh bản. Ảnh: Tất Sơn /VNP
Mái nhà được trồng hoa ở bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP
Chợ Phiên Sin Suối Hồ được họp vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Ảnh: Quý Trung
Ngoài việc ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên, du khách còn được khám phá cuộc sống, những nghề truyền thống đặc sắc của người dân ở Sin Suối Hồ. Ảnh: Tất Sơn /VNP
Người Mông ở Sin Suối Hồ biểu diễn những tiết mục văn nghệ phục vụ du khách. Ảnh: Quý Trung
Các homestay được trang trí mang đậm bản sắc dân tộc của người dân và rất gọn gàng, sạch sẽ, mang lại cảm giác ấm cúng cho khách đến thăm quan, nghỉ lại. Ảnh: Tất Sơn/VNP
Đến Sin Suối Hồ du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà, ở một số ngôi nhà đường vào còn được tô điểm bằng những chậu địa lan rất đẹp. Cấu trúc này vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa có công dụng làm mát vào mùa Hè và giữ ấm vào mùa Đông. Đến nay, tại bản Sin Suối Hồ còn giữ được hàng chục ngôi nhà trình tường truyền thống, tạo nên phong cảnh hữu tình đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.Chợ phiên Sin Suối Hồ cũng là một điểm du lịch hấp dẫn với khách tham quan. Tại đây, khách du lịch có thể tham gia trải nghiệm vào các hoạt động như xay gạo, mài vải mật ong…Chợ họp mỗi tuần 2 phiên vào tối thứ 4 và ngày thứ 7. Chợ không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm đến để bà con giao lưu, gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc thiểu số. | Không chỉ có vậy, Sin Suối Hồ còn hấp dẫn du khách bởi đời sống văn hóa tinh thần phong phú với những bản tình ca, những khúc nhạc, điệu khèn Mông làm say đắm lòng người. Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn mặc, dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ.Sin Suối Hồ có 136 hộ dân, 700 nhân khẩu, 100% là người Mông, trong đó có 10 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có thể đón tiếp cùng lúc hơn 100 du khách/ngày đêm với mức giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/người/đêm. Trung bình mỗi năm, Sin Suối Hồ đón khoảng 100 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ.Theo anh Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ, với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước và nơi đây đã trở thành “điểm sáng” về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu bởi cách làm bài bản, ý thức và tác phong chuyên nghiệp của người dân.Thực hiện: Tất Sơn - Nguyễn Luân - Quý Trung |
đăng 22:13 16 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là nhà cổ Huỳnh Kỳ tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nằm trong danh sách những ngôi dinh thự đẹp nhất Miền Tây Nam Bộ. Du lịch Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được hiểu thêm về lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ 20.
Nhà Cổ Huỳnh Kỳ Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Hàm Huỳnh Kỳ được ông cho bắt đầu xây dựng từ năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Mặc dù chịu sự tác động của văn hóa phương Tây nhưng với nề nếp của gia đình, với truyền thống văn hóa phương Đông, cho nên khi cất nhà Huỳnh Kỳ rất chú trọng đến việc chọn vị trí, chọn hướng. Ngôi nhà đủ điều kiện nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ và hướng mở cửa lấy được chính khí “Thuần Thanh”.
Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho…Mặt bằng tổng thể được phân bố như sau: Ngôi nhà chính nằm theo chiều dọc ở trung tâm, nhà sau nằm theo chiều ngang sau ngôi nhà chính và nối liền với ngôi nhà chính bằng một đường dẫn. Nhà kho nằm theo chiều dọc từ ngoài cổng nhìn vào ở phía bên trái ngôi nhà chính. Bao bọc khuôn viên ngôi nhà là hàng rào với các cổng ra vào.
Rào cổng được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kiểu thượng song hạ bảng. Trụ rào, trụ cổng làm bằng gạch, song rào, cửa cổng bằng thép. Cổng có hai cửa ra vào, một của chính một cửa phụ. Bước vào cổng là khoảng sân khá rộng sử dụng để bố trí trồng các bồn trồng hoa kiễng.
Cổng vào Qua khỏi khoảng sân đến ngôi nhà chính.
Ngôi nhà chính Ngôi nhà chính được xây dựng hình chữ nhật, chiều dài 20m, chiều rộng 18m, có đường nét cổ kính, với nhiều loại hoa văn, gạch, phù điêu trang trí khác nhau bên trong và bên ngoài ngôi nhà, mang dấu ấn văn hóa riêng theo phong cách trang trí tiêu biểu của kiến trúc Pháp. Bắt mắt nhất vẫn là những viên gạch men chúng gần như bền màu với thời gian.
Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. Vách và trần nhà đều trang trí bằng những phù điêu và hoa văn với nhiều họa tiết tinh xảo. Tất cả các vật dụng như gạch lát hay các vật dụng trang trí khác đều được chuyển về từ Pháp Quốc, cho thấy rằng ngôi nhà là tiêu biểu cho lối điêu khắc và hội họa phát triển lúc bấy giờ.
Vách và trần nhà đều trang trí với nhiều họa tiết tinh xảo Tuy nhiên các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt và có sự giao thoa rõ nét giữa hiện đại và truyền thống.
Các vật dụng trong nhà cổ được bố trí theo phong cách thuần Việt Đặc biệt, trần của ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đấp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng.
Ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 2011, ngôi nhà này đã được tỉnh Trà Vinh công nhận Di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh.
|
đăng 20:47 16 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Cái Bè – Tiền Giang từ lâu được nhiều người biết tới là vùng đất cây trái trù phú, rất phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn gắn với địa danh Chợ Nổi và làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long. Từ TP. Mỹ Tho, các bạn có thể di chuyển theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 tầm 4 km đến trung tâm thị trấn Cái Bè, đi thêm 2 km nữa đến cầu số 2, bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ đường vào các nhà cổ: Ba Đức, ông Xoát, ông Tòng…
Làng cổ Đông Hòa Hiệp có tất cả 7 ấp, với gần 4.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái các loại: Xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: Làng cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa…
Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, năm 1732 thời Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ là TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ (1732-1757), làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan và đại địa chủ sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú.
Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý có mái lợp ngói, cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội so với các địa phương khác.
Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản” .
Con đường bao quanh làng rợp bóng cây xanh, hai bên người dân trồng hoa và rau trái tạo nên cái hồn của miền quê. Vẻ đẹp dân dã thôn quê ấy, cộng thêm nét thơ mộng của con sông Cái Bè và những con kênh uốn mình trước cửa những ngôi nhà cổ, càng khiến nơi này thu hút du khách quốc tế về thăm và trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước Tiền Giang.
Con đường làng thơ mộng Ân tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ có niên đại trên 150 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum xuê, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cuốn hút du khách. Những ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm rải rác trong các ấp An Bình Đông, ấp Phú Hòa, ấp An Lợi, ấp An Thạnh…Một số ấp nối với nhau như khu bàn cờ, trong bán kính khoảng 2km nên du khách chỉ cần một chiếc xe đạp hoặc đi bộ là có thể đi quanh làng…
Ngôi nhà cổ giữa vườn cây ăn trái xanh mát Đầu tiên là ngôi nhà cổ ông Xoát (ấp An Thạch). Đây là ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở Đông Hòa Hiệp, được xây từ năm 1818, đến nay là tròn 200 năm. Mặc dù nhìn bên ngoài ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây nhưng bên trong lại mang dáng dấp nhà rường của Huế kết hợp lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 đang sinh sống trong ngôi nhà.
Nhà cổ ông Xoát Không lặng lẽ như nhà cổ ông Xoát, nhà cổ ông Kiệt (ấp Phú Hòa) nhiều người vào ra, con cháu sinh hoạt trong nhà cũng đông đúc hơn, mang đầy hơi thở cuộc sống.
Nhà cổ ông Kiệt Ngôi nhà này mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với 5 gian và 3 chái và rất nhiều cột, kèo làm bằng gỗ quý…, xây dựng từ năm 1838. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với những hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ… được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” của Việt Nam.
Bên trong ngôi nhà Nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp.
Nhà cổ Ba Đức Nhà được dựng vào năm 1850, trên nền cao 0,5m so với mặt đất, gồm hai nhà là nhà trước và nhà sau nằm cách nhau bởi một khoảng sân Thiên Tĩnh (giếng trời). Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa kia. Ngoài vườn trái cây khách có thể tham quan thưởng thức, phía trước nhà còn có những chậu hoa, cây bonsai rất đẹp. Thơ mộng, đáng yêu hơn nữa chính là bến đò trước cửa nhà tiện lợi cho du khách tham quan bằng đường thủy, quanh năm hoa giấy nở rực rỡ.
Bên trong nhà Trong làng còn nhiều nhà cổ nữa. Mỗi ngôi nhà đều có dấu ấn riêng. Nhà cổ ông Tòng nấp sau hàng rào hoa huỳnh anh vàng rực và trước nhà nhiều cội mai già mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của vùng sông nước Nam bộ. Nhà cổ ông Võ với mái ngói thâm nâu, những bộ tràng kỷ đen bóng mang màu thời gian…
Nhà cổ ông Tòng
Nếu muốn trải nghiệm nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ, bạn có thể liên hệ trước với gia đình nhà ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… Những ngôi nhà này cổ này đều có dịch vụ du lịch homestay. Du khách có thể trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử; …
Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Với những giá trị to lớn về văn hóa và kiến trúc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017.
Cùng với những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn giữ gìn, phát huy giá trị của nếp sống bình dị tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng. Du lịch Tiền Giang, đến với làng cổ du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách, thật thà của người dân Miền Tây Nam Bộ.
Từ năm 2013, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được đầu tư và từ đó đến nay, Lễ hội được tổ chức đều đặn 2 năm một lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian, thu hút đông đảo khách tham dự.
|
đăng 01:47 16 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 01:47 16 thg 5, 2021
]
Động Puông là một hang động lớn, thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách trung tâm thị trấn Chợ Rã khoảng hơn 5km. Động Puông dài 300m, cao hơn 30m, hình thành khi dòng sông Năng chảy xuyên qua bên dưới núi đá vôi Lũng Nham với vách đá dựng đứng và nhiều thạch nhũ có hình dạng và màu sắc khác nhau bên trong động.
Du khách xuôi dòng sông Năng khám phá động Puông bằng thuyền. Động Puông nằm trong tuyến du lịch sông Năng - Bản Cám - thác Đầu Đẳng. Để tham quan Động Puông, du khách đi thuyền xuôi dòng sông Năng khoảng 400m là đến cửa động. Nhìn từ xa ngỡ rất nhỏ, nhưng đến khi lại gần mới thấy thật sự ngạc nhiên về sự hùng vĩ của Động Puông.
Cửa Động Puông.
Bên trong động, những dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước.
Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn hấp dẫn du khách.
Trong động là nơi trú ngụ của hàng vạn con dơi. Khi du khách vào tham quan động, âm thanh bước chân, ánh sáng đèn pin và tiếng trò chuyện vang vọng làm dơi bay ra nháo nhác trên nóc động.
Vẻ đẹp của nhũ đá.
Sau khi khám phá Động Puông khoảng một giờ đồng hồ quý khách lên thuyền tiếp tục xuôi dòng sông Năng. Trần Tuyến |
đăng 21:47 13 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Khác với hình ảnh bề thế thường thấy theo lối kiến trúc phương Tây của các nhà thờ Công giáo, nhà thờ Du Sinh ở Đà Lạt lại có cổng tam quan, tượng rồng, lầu chuông, đầu đao uốn cong... khiến cho nhiều người lầm tưởng đó là một ngôi chùa Việt. Thậm chí có vị linh mục quản xứ còn gọi nó là “nhà thờ chùa”. Cái sự lạ ấy không chỉ thu hút sự chú ý của du khách mà nó còn phản ánh nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Việt.
Nhà thờ Du Sinh được xây dựng từ năm 1956 và khánh thành vào dịp lễ Giáng sinh năm 1957, riêng tháp chuông thì được hoàn thành năm 1962. Nhìn tổng thể, kiến trúc bên ngoài của nhà thờ Du Sinh quả là giống với một ngôi chùa Việt. Nhà thờ nằm trên một quả đồi cao bên đường Huyền Trân Công Chúa, thành phố Đà Lạt. Cổng nhà thờ xây theo lối tam quan, kết cấu khá đơn giản. Từ cổng lên đến thánh đường là một đoạn đường dốc được chia thành 5 cấp. Khoảng giữa có một bậc cấp dài, đặc biệt hai bên có đôi rồng chầu khổng lồ đắp nổi bằng xi măng chạy suốt từ lầu chuông xuống gần đến cổng.
Ngay trước thánh đường có một lầu chuông lợp ngói mũi hài với đầu đao cong, hai bên là hai lầu tượng thánh có cùng kiểu xây tương tự. Ba kết cấu này kết hợp với nhau tạo thành một thế tam quan lớn thứ hai sau cổng tam quan chính nằm ở lối vào.
Nhà thờ Du Sinh được xây dựng từ năm 1956 có lối kiến trúc mang đậm nét truyền thống Việt Nam với những hoa văn trang trí, lầu, mái, tháp chuông... giống như đình, chùa của người Việt. Ảnh: Thanh Hòa/VNP
Tháp chuông có bốn cột chính mang hình dáng cây trúc vàng gợi nhớ hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Ảnh: Thanh Hòa/VNP
Vẻ đẹp độc đáo và khác lạ của tháp chuông nhà thờ Du Sinh. Ảnh: Thanh Hòa/VNP
Hai con rồng lớn cùng với tháp chuông xây theo lối tam quan thuần Việt là một nét kiến trúc độc đáo và khác lạ thường thấy ở một nhà thờ Công giáo. Ảnh: Thanh Hòa/VNP
Giáo dân Du Sinh trang nghiêm dự đêm thánh lễ nghe cha xứ giảng đạo. Ảnh: Thanh Hòa/VNP
Ngôi thánh đường nằm giữa một vùng không gian xanh mát của bóng cây hoa lá. Ảnh: Thanh Hòa/VNP Tòa thánh đường là một ngôi nhà lớn hai tầng, tường gạch, mái xuôi lợp ngói đỏ theo kiểu nhà truyền thống. Phía bên ngoài có hai dãy hành lang dài chạy suốt ở hai bên. Điều thú vị là tất cả các hàng cột lớn ngoài hành lang và cả trong thánh đường đều được đắp nổi hình cây tre, trúc gợi cảm giác rất thân thuộc và gần gũi với văn hóa làng quê của người Việt. Các hành lang xung quanh được trang trí bằng những ô tròn hình chữ “Thọ”, một lối trang trí rất đặc trưng ở các đình, chùa Việt Nam.Đặc biệt, việc sử dụng hình tượng rồng trong trang trí của nhà thờ Du Sinh được cho là một nét phá cách độc đáo và khác lạ đối với kiến trúc thông thường của một nhà thờ Công giáo. Bởi rồng thường chỉ được sử dụng trong việc trang trí các công trình như cung điện, lăng tẩm, đình, chùa... chứ hiếm khi thấy xuất hiện trong các công trình kiến trúc của phương Tây, nhất là nhà thờ. Không những thế, rồng khi được sử dụng trong công trình này còn có những biến tấu khá bất ngờ. Nếu như trong kiến trúc cung điện, đình, chùa Việt thường có mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” nhằm biểu thị sự cung kính và thần phục thánh thần, thì ở cổng tam quan nhà thờ Du Sinh mô típ ấy được biến tấu thành “lưỡng long chầu Thánh Giuse bế Chúa hài đồng”.Lý giải cho sự kết hợp lạ này nhiều người cho rằng nó xuất phát từ ý tưởng và mong muốn của vị “tổng công trình sư”, người được cho là “linh hồn” của công trình kiến trúc nhà thờ Du Sinh, đó là Đức cha Bửu Dưỡng. Ông vốn thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng, vốn từng là người rất sùng đạo Phật. Trước khi theo đạo Thiên Chúa, ông từng có thời kì tu học ở chùa Phật giáo, thông thạo Hán Nôm, am tường văn hóa và triết học phương Đông. Có lẽ do sự ảnh hưởng sâu nặng từ truyền thống văn hóa, giáo dục và gia đình như vậy nên sau này ông đã xây dựng nên một nhà thờ Du Sinh độc đáo và khác lạ đến như vậy.Bài và ảnh: Thanh Hòa |
đăng 01:27 12 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Nằm trên đỉnh đồi hướng về những dãy núi điệp trùng của Trường Sơn Đông, Di tích lịch sử quốc gia Chiến thắng Đak Pơ ghi dấu trận đánh lớn cuối cùng trong kháng chiến chống Pháp ở Tây Nguyên. Công trình này trở thành quần thể kiến trúc nằm giữa hệ sinh thái xanh trên quốc lộ 19, đồng thời là điểm dừng chân thú vị trên tuyến du lịch kết nối đại ngàn Tây Nguyên với biển cả. Dấu ấn từ trận đánh huyền thoại
Cái nắng tháng 4 khô khát, nhưng khi bước lên hết những bậc cấp của Di tích Chiến thắng Đak Pơ, một quần thể cây xanh phủ bóng trong không gian rộng hơn 1,1 ha làm dịu mát mọi giác quan. Những cây hoa sứ trồng trước khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ đua nhau nở từng chùm trắng muốt, tỏa hương thơm ngát. Từng gốc bồ đề cổ thụ đang mùa thay lá ra ngàn lộc non.
Sau lưng Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ, những bụi tre ngà vươn mình đầy kiêu hãnh trong nắng vàng. Điểm nhấn cho tổng thể không gian là những cây si xanh được chăm sóc, cắt tỉa tỉ mỉ tạo thành những quả cầu tròn màu xanh khổng lồ. Ngoài ra, còn rất nhiều loài hoa giấy, hoa dừa cạn, lộc vừng… đua nhau nở làm cho không gian càng bừng lên sức sống mới. Ngoài cùng của cụm công trình, 2 hàng xà cừ cũng vừa thay lá mới, đua nhau khoe sắc xanh.
Quần thể kiến trúc này nằm gọn trên đỉnh đồi cao, từ đây nhìn xuống quốc lộ 19 và xa hơn là núi non chập chùng của Trường Sơn Đông, thu vào tầm mắt tất cả sự hùng vĩ và vẻ đẹp của một vùng đất. Với vị thế, cảnh quan và những công trình kiến trúc được xây dựng tỉ mỉ từng đường nét, chi tiết bên trong, di tích lịch sử quốc gia này xứng đáng là một điểm dừng chân hấp dẫn trên cung du lịch phía Đông tỉnh.
Di tích Chiến thắng Đak Pơ là điểm dừng chân thú vị trên cung đường du lịch phía Đông tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu Tại địa điểm này 8 năm trước (năm 2014), trong cuộc hội ngộ đầy xúc động của những người lính Trung đoàn 96 - đơn vị đã làm nên Chiến thắng Đak Pơ huyền thoại trong kháng chiến chống Pháp, công trình vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa có nhiều cây xanh. Sau cuộc gặp gỡ lịch sử và đầy ý nghĩa ấy, hẳn người còn, người mất nhưng tinh thần của người lính và âm vang chiến thắng Đak Pơ sẽ còn mãi cùng nơi này. Cũng từ đó, công trình ngày càng được hoàn thiện trong hệ sinh thái xanh, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính thẩm mỹ cao.
Ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Để khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Đak Pơ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, UBND tỉnh phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về chiến thắng này vào cuối tháng 4-2021. Hội thảo có sự đóng góp của các nhà khoa học và nhân chứng lịch sử để làm nổi bật những đóng góp của quân và dân Liên khu V trong chiến thắng Đak Pơ, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm, lịch sử từ chiến thắng này để vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Du lịch trên chiến trường xưa
Bên cạnh ý nghĩa là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Di tích Chiến thắng Đak Pơ còn là điểm nhấn du lịch của huyện Đak Pơ và có ý nghĩa kết nối trong cung du lịch phía Đông tỉnh và liên vùng. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đánh giá cao vị trí đắc địa của di tích quốc gia này và nhiều lần nhấn mạnh đến giá trị kết nối của di tích trong phát triển du lịch liên vùng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Du khách từ Bình Định qua cửa ngõ An Khê để lên Tây Nguyên và ngược lại, các tỉnh Tây Nguyên đi du lịch biển đều dừng chân tại Di tích Chiến thắng Đak Pơ. Trong chương trình làm việc, kích cầu du lịch giữa Gia Lai với Phú Yên và Bình Định, di tích chiến thắng này được nhắc đến như một điểm nhấn trong liên kết vùng”.
Nhà tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ nằm giữa quần thể cây xanh. Ảnh: Minh Châu Về phía địa phương, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ-thông tin: “4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh đã bàn thảo về việc kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, giao thông, an ninh-quốc phòng… Huyện Đak Pơ đề xuất ý kiến về việc các địa phương cần liên kết để phát triển du lịch, đặc biệt là phát huy thế mạnh các di tích lịch sử như: Di tích Chiến thắng Đak Pơ và Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) để tạo thành một tour “Về nguồn” hấp dẫn, ý nghĩa. Ngoài ra, các địa phương cũng bàn đến hướng liên kết để khai thác thế mạnh của di sản văn hóa-lịch sử, di tích quốc gia khác để phát triển du lịch khu vực phía Đông tỉnh”.
Nhưng làm sao để Di tích Chiến thắng Đak Pơ không chỉ là một điểm dừng chân nghỉ mát cho các đoàn du khách mà cần được khai thác các giá trị để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành “công nghiệp không khói”?
Đề cập nội dung này, ông Hiền cho biết thêm, để tăng sức hấp dẫn cho Di tích Chiến thắng Đak Pơ, huyện đã xây dựng Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ để trưng bày hình ảnh, hiện vật, tư liệu với những thông tin thú vị về chiến thắng huyền thoại này cùng sa bàn mô phỏng diễn biến của trận đánh. “Huyện cũng bố trí 1 thuyết minh viên giới thiệu tại Nhà trưng bày giúp khách du lịch hiểu thêm ý nghĩa, tầm vóc của trận đánh” - ông Hiền cho hay.
Du khách chụp ảnh lưu niệm trước Đền tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Đức Thụy Tuy vậy, đối với các đơn vị lữ hành khi dẫn các đoàn khách du lịch thăm chiến trường xưa, thông tin về các điểm đến vẫn chưa thực sự khiến du khách thỏa mãn. Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-cho biết: Người hướng dẫn luôn cần thêm rất nhiều câu chuyện xung quanh, chuyện chính sử lẫn những câu chuyện bên lề để tăng sức hút cho các điểm du lịch thăm chiến trường xưa. Chiến thắng nào cũng có những mất mát, hy sinh của cả 2 phía, kể lại điều đó như thế nào để xúc động lòng người chính là cách làm du lịch chuyên nghiệp.
Ông Hải cũng cho rằng, Gia Lai có thế mạnh để khai thác loại hình du lịch thăm chiến trường xưa. Tuy nhiên, đây lại là loại hình chưa có sức hấp dẫn như: du lịch xanh, du lịch văn hóa. Do đó, các đơn vị lữ hành rất cần tài liệu hướng dẫn chính thống, dày dặn thông tin để hướng dẫn viên có thể “vịn” vào đó, thuyết minh cho du khách. “Cảnh quan đẹp đến đâu cũng chỉ mang đến những ấn tượng ban đầu. Chính những câu chuyện từ quá khứ mới có sức hấp dẫn và đọng lại ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách”-ông Hải nói.
MINH CHÂU |
đăng 01:07 12 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Với tổng diện tích hơn 44 ha, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy (hẻm 479, đường Lý Thái Tổ, phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là không gian tươi mát, trong lành với hồ nước nhân tạo cùng cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, được trải nghiệm nhiều dịch vụ, trò chơi mới lạ, thú vị. Ông Trần Văn Đương-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Du lịch Xuân Thủy-chia sẻ: “Khu vực này trước đây là mỏ đá. Năm 2015, tôi quyết định dừng khai thác và “trả nợ” thiên nhiên bằng cách tạo một khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu của du khách”.
Năm 2016, hành trình cải tạo, đào hồ nước ngọt, trồng cây của ông Đương bắt đầu. Để tạo một khu du lịch tích hợp hiệu quả, ông Đương dành thời gian đi tham quan ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào khu du lịch của mình. Ấn tượng là cảnh quan khu du lịch được kiến tạo bởi bàn tay tài hoa của con người và rất hài hòa.
Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy tạo điểm nhấn bằng những mô hình, tiểu cảnh bắt mắt. Ảnh: Thủy Bình Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy hấp dẫn bởi hồ nước “Mắt Biếc” rộng 17 ha, tạo thành cánh cung bao bọc sườn bên trái và phía sau khuôn viên, cùng thác nhân tạo là điểm nhấn không gian công viên nước; hơn 1.000 cây xanh phủ bóng mát cùng vườn hoa rực rỡ sắc màu giúp du khách tạm thời thoát khỏi không gian náo nhiệt của đô thị để hòa mình vào thiên nhiên.
Du khách có thể thư giãn, trải nghiệm mặt hồ nước rộng, trong xanh bằng dịch vụ đạp thiên nga. Dọc bờ hồ, khu du lịch tạo điểm nhấn bằng những tiểu cảnh, mô hình bắt mắt để du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
“Ồn ào” hơn một chút là khu vui chơi giải trí, phục vụ nhu cầu của những du khách “nhí” với những trò chơi mới lạ cả trong nhà lẫn ngoài trời như: trò chơi liên hoàn, xe đụng điện, vòng quay ngựa, tàu lượn… Với những du khách yêu thích sự yên tĩnh có thể hòa mình vào thiên nhiên bằng cách đi dạo trên con đường nhỏ dẫn đến quần thể tâm linh tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao hơn 4 m.
Chị Nguyễn Thị Thúy Qua (làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku) cho biết: “Tranh thủ dịp cuối tuần, tôi cùng gia đình đến khu du lịch tham quan, trải nghiệm. Khu du lịch khá đa dạng, mỗi người đều có thể tham gia những hoạt động khác nhau, con trẻ thì ở khu vui chơi, người già thì uống cà phê, còn những người trẻ thì tham quan, chụp hình”.
Sau khi thăm thú, du khách có thể thưởng thức hương vị cà phê Tây Nguyên ở những căn nhà nhỏ được thiết kế tinh tế. Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, khu du lịch còn quan tâm đến nguồn nhân lực phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm. Hiện tại, nơi đây đã góp phần tạo việc làm cho hơn 50 lao động, trong đó 15 lao động người Jrai với mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cụm trò chơi liên hoàn tại Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy thu hút du khách. Ảnh: Thủy Bình Chị Võ Thị Lệ Hồng (Bệnh viện Mắt Cao Nguyên) chia sẻ: “Tôi cùng gia đình, bạn bè thường đến đây tham quan, thư giãn vào dịp cuối tuần. Điều ấn tượng nhất khi đến khu du lịch này là sự sạch sẽ, rộng rãi và thoáng mát, tạo cho du khách cảm giác thoải mái và thích thú. Ở đây có nhiều loại hình trò chơi để trải nghiệm mà chi phí dịch vụ khá hợp lý; thái độ phục vụ của nhân viên rất thân thiện. Khu du lịch này chỉ cách trung tâm thành phố 2 km nên rất thích hợp để vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc”.
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21-3, trung bình mỗi ngày, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy đón khoảng 100-150 lượt khách. Riêng dịp cuối tuần và ngày lễ thì lượng khách tăng rất nhiều. Nơi đây đang tạo điểm đến hấp dẫn, thú vị, thu hút đông đảo du khách, góp phần phát triển du lịch Gia Lai.
Ông Trần Văn Đương cho biết: “Thời gian tới, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy sẽ đầu tư thêm không gian tổ chức sự kiện, khu nhà nghỉ và vườn cây ăn quả. Về mảng thể thao, ngoài khu vực chơi golf, chúng tôi tiếp tục đầu tư hồ bơi, sân bóng đá và tennis… nhằm đem đến sự hài lòng, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách”.
THỦY BÌNH |
đăng 00:48 12 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) sừng sững giữa không trung với nhiều lớp đá. Ngồi trong hang trú mưa, nghe kể chuyện đá che chở cho người dân và bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mà lòng thấy xúc động bồi hồi. Mới 9 giờ sáng mà ánh mặt trời như muốn thiêu đốt vùng “chảo lửa” Krông Pa. Mồ hôi chưa kịp túa ra thấm vào lớp áo đã vội khô. Vẫn biết leo núi giờ này không khác một cuộc hành xác, nhưng ước muốn khám phá những hang, hốc đá kỳ bí ở xã Ia Rsai được cho là nơi trú ẩn của người dân và bộ đội trong thời kháng chiến chống ngoại xâm cứ thôi thúc chúng tôi dấn bước. Biết chuyện, nhiều người dân tốt bụng ở huyện Krông Pa tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi.
Mất hơn 30 phút đi xe máy trên con đường đất với hàng trăm cú xóc nảy người, chúng tôi đến chân núi Voi. Chỉ tay về hướng núi, anh Hoàng Thái Hà (trú tại xã Ia Rsai) cho hay: “Trên đỉnh núi có mấy hòn đá tảng xếp lớp tạo thành hình một cái đầu con voi nên dân ở đây thường gọi là núi Voi. Đây là điểm khác biệt dễ nhận biết của núi này so với các ngọn khác trong vùng. Đá ở núi Voi lại càng khác biệt. Chút lên trên đó, chúng tôi sẽ chỉ cho mọi người những cái độc đáo”.
Núi Voi (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) nhìn từ xa. Ảnh: Nguyễn Tú Gửi xe tại nhà rẫy của một hộ dân xã Chư Rcăm, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi. Băng qua rẫy điều đang trong vụ thu hoạch với những chùm quả căng mọng tỏa mùi thơm ngai ngái, chúng tôi nhằm hướng tảng đá hình đầu con voi mà leo. Đá tảng xếp lớp khiến việc di chuyển gặp khó. Cây cối chằng chịt với nhiều loại dây có gai đâm xuyên áo quần làm rách da thịt. Ánh nắng chiếu làm những tán lá non của tầng cây trên cao mới trổ sau vài cơn mưa đầu mùa quắt lại. Muốn tìm một chỗ tránh nắng là không dễ dàng.
Sau 30 phút nhọc nhằn, chúng tôi đặt chân đến khu vực đá xếp lớp được người dân dùng đặt tên cho ngọn núi. Nơi đây có nhiều tảng đá rất to dựng đứng và có 1 tảng nằm ngang phía trên tạo ra hình thù giống đầu một con voi. Tiếp tục đi về phía bên phải, chúng tôi bắt gặp nhiều tảng đá có hình thù lạ mắt xen lẫn với những tảng đá rất lớn.
Và cũng chính từ đây, chúng tôi được khám phá những hang đá, hốc đá độc đáo. Đầu tiên là 1 tảng đá rộng bằng 2 chiếc chiếu nằm trên mặt đất có một nửa trồi lên như tấm lưng con voi đang phủ phục, tạo thành một khoảng không rộng đủ cho 3 người nằm bên trong. Đối diện là 2 tảng đá cao 20-30 m dựa vào nhau tạo một khe rộng chừng 0,5 m và dài 3 m. Tiếp đó là 1 tảng đá vươn ra khỏi mặt đất tạo khoảng trống rộng 2 m.
Đi thêm 50 m là một khu vực có nhiều đá xếp lớp tạo thành nhiều hang đá, nồng nặc mùi chất thải của loài dơi. Khu vực này độc đáo hơn cả bởi có nhiều hang đá xuyên với nhau, đủ chỗ cho chừng 20 người trú ẩn và có nhiều cây to che chắn xung quanh. Đặc biệt, tại 1 hang đá, chúng tôi thấy trên một bức vách đá có dòng chữ số, chưa rõ là do vết mòn của thời gian hay có bàn tay con người nhưng có thể tạm dịch là 1971.
Trời bất ngờ xối xả mưa giông. Ngồi trú mưa trong hang đá, anh Hà kể: “Theo người dân bản địa kể lại thì xã Ia Rsai là căn cứ địa cách mạng thời chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời kháng chiến, người dân cũng như du kích, bộ đội chủ lực thường ở trong hang đá giữa những cánh rừng xã Ia Rsai, trong đó có núi Voi. Họ vào đây ở để tránh địch đi càn hoặc hoạt động cách mạng vì phía đối diện có ngọn đồi mà dân ở đây gọi là đồi Mỹ. Tức là, thời chiến, quân Mỹ chiếm đóng ở đó thường đi càn. Còn khu vực núi Voi này có địa hình, địa vật thuận tiện cho việc trú ẩn, chiến đấu với lính Mỹ”.
Một người dẫn đường khác tên Rơ Ô Quý tiếp lời: “Hồi nhỏ, bọn mình thường lên đây săn dơi, chuột về làm thức ăn, thỉnh thoảng còn nhặt được một số đồ dùng của bộ đội ngày xưa như lược, vỏ đạn, cuốc, xẻng… Sau này, mình ít lên vì cha mẹ dặn, ngày trước, cha ông trú ẩn nơi này để đánh nhau với giặc Mỹ, có người hy sinh khi chiến đấu ở đó nên rất linh thiêng, không được xâm hại. Họ còn kể là khi bộ đội, người dân ở trên này thường đi xuống thác Ply Mung tắm rửa, mang nước lên nấu ăn hay tận dụng các hốc của bãi đá dưới đó làm nơi giã gạo, phơi đồ đạc. Dưới đó cũng có mấy hang đá sâu lắm, tiện cho việc trú ẩn”.
Một hang đá có kích thước rộng rãi được cho là nơi người dân từng trú ẩn thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ảnh: Nguyễn Tú Cơn mưa kéo dài lê thê, bất đắc dĩ, chúng tôi phải tạm dừng ý định khám phá những hang đá còn lại ở núi Voi hay một vài ngọn núi khác lân cận. Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi cuối giờ chiều, ông Kpă Xuân-nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Rsai-bộc bạch: “Mình nghe các ông bà trong làng kể lại, họ thường vào khu vực rừng trong đó ở để tránh lính Mỹ đi càn. Ngoài ra, chỗ đó trong thời chiến là trạm dừng chân của nhiều đơn vị bộ đội khi hành quân vào miền Nam và cán bộ hoạt động cách mạng của ta. Không riêng núi Voi, nhiều ngọn núi khác trong vùng cũng có rất nhiều hang động từng có người dân, bộ đội ở thời chiến tranh. Người già trong làng từng ở trên đó đã mất hết, không còn ai nhớ rõ các hang. Mới đây, tôi có dẫn chị Trần Thị Mỹ Hiền-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện vào trong đó tìm các hang động nhưng sức yếu không leo núi được và không nhớ rõ địa điểm mà các già trong làng đã chỉ cho trước đây”.
Đầu năm 2020, chúng tôi cũng có dịp theo chân người dân bản địa ở xã Ia Rsai chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Ply Mung. Ngọn thác hoang sơ với những bãi cát, đá đẹp hút hồn. Đặc biệt là buổi chiều muộn hay sáng sớm, sương giăng phủ quanh thác tạo không gian lung linh, huyền ảo. Dạo đó, chúng tôi ngủ lại trong các hang đá ở hai bên bờ suối dưới chân thác Ply Mung mà chưa rõ về quá khứ hào hùng của vùng đất này.
Thêm một lần khám phá thác Ply Mung, núi Voi, thiển nghĩ, tiềm năng du lịch của vùng này là sẵn có. Ngoài việc khách thập phương sẽ có được một trải nghiệm thú vị khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử thì phát triển du lịch còn có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế-xã hội xã Ia Rsai phát triển. Được biết, huyện Krông Pa cũng đã tính đến điều này.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: “Lãnh đạo huyện giao Phòng Văn hóa-Thông tin khảo sát, xây dựng đề án về khu di tích lịch sử và phát triển du lịch ở khu vực đó. Tôi cũng đã đi khảo sát nhưng vẫn chưa tìm được những hang động mà cán bộ, bộ đội, du kích, người dân trú ẩn và hoạt động cách mạng”.
Những chứng nhân lịch sử hiểu rõ về xã Ia Rsai đã mất hoặc không còn nhớ chi tiết. Do vậy, chúng tôi không dám khẳng định các hang đá trong khu vực núi Voi là địa điểm mà cán bộ, bộ đội, du kích, người dân trú ẩn tránh giặc càn và hoạt động cách mạng. Bài viết này chỉ muốn cung cấp thêm một địa chỉ có giá trị tham khảo với cơ quan chức năng trong quá trình khảo sát để xây dựng đề án khu di tích lịch sử xã Ia Rsai.
NGUYỄN TÚ |
đăng 00:42 12 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Dòng suối Ia Nil vẫn âm thầm chảy, lặng lẽ ôm trọn làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bao đời. Trải qua biến thiên thời gian, người Jrai nơi đây vẫn gắn chặt đời mình với chứng tích của những ngày đầu lập làng. Gần 60 mùa rẫy, già làng Siu Núi đã gắn bó đời mình với những vui buồn bên dòng suối Ia Nil. Ông kể: “Tôi sinh ra đã có dòng suối này. Ngọn nguồn câu chuyện về dòng suối có thể chẳng ai còn nhớ tường tận. Nhưng có một điều đặc biệt là người Jrai chúng tôi đã ăn đời ở kiếp hai bên dòng suối. Nó bảo bọc người làng chúng tôi bao đời nay như một người mẹ hiền. Ân tình ấy chúng tôi mãi trân trọng”.
Già làng Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã gắn bó với dòng suối Ia Nil gần 60 năm. Ảnh: Trần Dung Làng Ốp hình thành vào khoảng năm 1927. Lúc ấy, làng chỉ có 15 hộ dân với 76 khẩu. Những người già trong làng kể lại rằng, cha ông xưa chọn nơi đây để lập làng bởi ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vùng đất này còn có dòng suối Ia Nil bao quanh, chẳng những tắm mát một vùng thung lũng, cân bằng môi trường sinh thái mà còn hình thành các cánh đồng làm ra lúa gạo nuôi sống con người.
Bà Rơ Lan Lyah (70 tuổi) cho biết: “Cũng như các dân tộc khác, người Jrai khi chọn đất lập làng thì điều đầu tiên là phải đi tìm nguồn nước để đảm bảo cho cuộc sống. Chính vì vậy, người làng Ốp lúc bấy giờ rất vui mừng khi chọn được vị trí lập làng ngay cạnh suối Ia Nil”.
Ia Nil bắt nguồn từ xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) sau đó chảy về khu vực TP. Pleiku. Tồn tại với thời gian, dòng suối lúc âm thầm róc rách, khi cuồn cuộn dâng trào tưới mát cho một vùng thung lũng rộng lớn. Nó là chứng nhân cho sự đổi thay của bao thế hệ người làng. Họ chưa bao giờ thấy dòng suối cạn nước dù có những năm hạn hán khát khô.
Xưa kia, khi quanh làng còn nhiều thú dữ, dòng suối cuộn trào như dòng thác ngăn lũ thú hoang làm hại người làng. Mùa khô, dòng nước ấy lại hiền hòa tắm mát bao con người. Dòng suối giúp dân làng có nước để uống, có cá để ăn. Sau này, người làng tận dụng điều kiện tự nhiên ưu đãi để trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây công nghiệp dài ngày, làm kinh tế trang trại… Từ đó, dòng nước Ia Nil được người dân đưa về tận chân ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Người làng Ốp coi suối Ia Nil như dòng nước mẹ. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, họ cho rằng có một vị thần đã tạo ra nguồn nước, đó là Yàng Ia. Hàng năm, dân làng đều duy trì việc cúng Yàng để tạ ơn vị thần đã ban cho họ nguồn nước dồi dào. Biết ơn Yàng Ia, cộng đồng Jrai làng Ốp cùng nhau nỗ lực gầy dựng cuộc sống ngày một ấm no bên dòng suối hiền hòa.
Theo Trưởng thôn Rơ Mah Hur, làng Ốp có diện tích tự nhiên trên 182 ha. Qua thời gian, cộng đồng Jrai sinh sống tại đây hiện có 125 hộ với gần 600 khẩu, làng chỉ còn 2 hộ nghèo. 4 năm liền, làng Ốp đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa và có hơn 90% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Người làng hiện canh tác gần 30 ha lúa nước 2 vụ đang được tưới mát từ dòng suối Ia Nil. Nhờ nguồn nước dồi dào, lúa năm nào cũng đạt năng suất 4-5 tấn/ha/vụ. Cái đói, cái nghèo thuở nào giờ đã là quá vãng. Đời sống người dân làng Ốp giờ đã có những bước tiến dài.
Nhiều du khách tìm tới dòng suối Ia Nil tham quan, vui chơi. Ảnh: Trần Dung Năm 2008, TP. Pleiku quyết định đầu tư xây dựng làng Ốp trở thành làng văn hóa du lịch. Từ đó, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch cùng các hạng mục công trình khác dần được hoàn thiện, vệ sinh môi trường được đảm bảo.
Đến đây, ngoài tìm hiểu về kiến trúc nhà rông, văn hóa bản địa thì du khách còn thỏa sức ngắm nhìn những đồng lúa, vườn rau xanh mướt. Quanh làng, dòng suối Ia Nil trong vắt lách qua nhiều tảng đá đổ về phía hạ nguồn, có những đoạn uốn khúc có thể nhìn thấy đáy, cũng có những đoạn nước đổ dốc làm tung bọt trắng xóa, cảnh vật nên thơ hữu tình níu chân du khách.
“Làng Ốp được đầu tư xây dựng thành làng văn hóa du lịch cộng đồng đã giúp bà con gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Chúng tôi sẽ cùng nhau giữ gìn nhà rông, tượng nhà mồ, các lễ hội cùng dòng suối Ia Nil trong lành để trở thành ngôi làng xanh-sạch-đẹp, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm”-Trưởng thôn Rơ Mah Hur cho biết.
Khi suối Ia Nil trở thành điểm du lịch thì những người từ lâu “neo” đời bên dòng suối đều rất đỗi tự hào. Đưa ánh mắt rạng rỡ hướng về phía dòng nước, già làng Siu Núi cất lên một bài dân ca nặng nghĩa tình của người Jrai.
Lời hát vừa dứt, giọng ông phấn khởi: “Dù chỉ là một dòng suối nhỏ thôi nhưng Ia Nil đã đánh thức cả một vùng thung lũng, ôm ấp chở che cho ngôi làng của chúng tôi. Chính vì thế, dòng suối này như một phần thân thể, máu thịt của chúng tôi. Thật tuyệt vời khi người ta đưa suối Ia Nil trở thành một điểm đến không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn là nơi tìm hiểu con người, lịch sử của địa danh đã ghi dấu cùng thời gian”.
TRẦN DUNG |
đăng 21:18 9 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Bảo tàng ở làng Bát Tràng (làng gốm nổi tiếng ở H.Gia Lâm, Hà Nội) với kiến trúc lấy cảm hứng từ những bàn xoay gốm đang dần hình thành.
Kiến trúc dựa trên ý tưởng lò bầu ở làng gốm Bát Tràng. Ảnh: KTS Hoàng Thúc Hào cung cấp
Từ những bàn xoay gốm đến công nghệ 3D Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã không đắn đo khi chọn ý tưởng cho công trình Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt tại làng gốm Bát Tràng. Ý tưởng đó gắn với kỹ thuật nặn gốm của làng Bát Tràng, điều thể hiện rất rõ tài hoa và sáng tạo của bao nghệ nhân nhiều đời tại đây. “Công trình có cảm hứng từ những khối bàn xoay vuốt gốm. Có những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do. Có cả hình ảnh lò bầu cổ của người dân Bát Tràng xưa”, ông Hào nói.
Nhiều người vẫn gọi công trình này một cách gọn gàng là bảo tàng gốm hay bảo tàng Bát Tràng. Trên nền ý tưởng về lò bầu của người dân Bát Tràng, công trình có giải pháp cho lớp vỏ cũng mang tính văn hóa bản địa. Theo đó, lớp vỏ công trình được sử dụng bê tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng, chịu lực hiệu quả, tải trọng không lớn… và việc hoàn thiện sẽ tận dụng tối đa vật liệu truyền thống Bát Tràng như gạch gốm cổ truyền, ngói nung, gạch men mosaic…
Bà Hà Thị Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết muốn lập ra Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt sau khi từ Nhật trở về. Ở đó, người Nhật đã làm rất hay chương trình mỗi làng một sản phẩm. Vì thế, bà muốn làng nghề Việt Nam, làng nghề Bát Tràng có thể được giới thiệu và bước ra thị trường nhanh nhất.
Theo bà Vinh, không chỉ có việc xây bảo tàng thực địa, những giải pháp số cũng được chuẩn bị cho công trình này. Một sa bàn làng nghề Bát Tràng từ những năm 1950 được xây dựng, một app (ứng dụng) bảo tàng ảo cũng dự kiến được hiện thực hóa. “Sa bàn làng nghề Bát Tràng năm 1953 - 1954 kết hợp với mapping trình chiếu (kỹ thuật dùng ánh sáng tạo hiệu ứng 3D) sẽ giúp câu chuyện lịch sử làng được uyển chuyển hơn. App bảo tàng ảo có thể có nhiều phần. Chẳng hạn, những hướng dẫn nặn gốm từ xa, các hướng dẫn đường đến bảo tàng, những điểm cần đến khi tham quan du lịch ở Bát Tràng. App cũng sẽ có cả hướng dẫn đặt phòng lưu trú. Bản thân bảo tàng ảo này cũng có thể có các trưng bày thay đổi”, kiến trúc sư Đinh Việt Phương, Giám đốc Công ty 3Dart, cho biết. Là người tái hiện nhiều công trình cổ phiên bản 3D, ông Phương đang hỗ trợ thực hiện giải pháp số cho công trình này.
Kiến trúc bảo tàng Bát Tràng nhìn từ bên trong. Ảnh: Văn phòng kiến trúc 1+1>2 cung cấp Điểm đến du lịch văn hóa
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá cao kiến trúc của công trình. Theo ông, ý tưởng kiến trúc của công trình rất thú vị và khi thực hiện hiệu quả thị giác cũng tốt. “Hiện tại, dù chưa hoàn thiện toàn bộ, công trình cũng đã thu hút công chúng. Có nhiều người đến chụp ảnh check-in ở đây. Điều đó cũng cho thấy nếu hoàn thiện tốt, công trình sẽ trở thành một điểm đến, đồng thời hút thêm khách cho du lịch Bát Tràng”, ông Đoàn nói.
Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, công trình được chia làm 2 khối chính. Khối bảo tàng phía ngoài có 4 tầng: tầng 1 như một quảng trường gốm, là nơi kết nối khách tham quan với nghệ nhân và có thể tổ chức các festival văn hóa cổ truyền; tầng 2 và tầng 3 trưng bày các dòng men cổ độc đáo, hình dáng trang trí tinh xảo trong lịch sử làng Bát Tràng; tầng 4 là không gian xanh với cây được trồng theo mùa, cũng là nơi thư giãn, trải nghiệm cho trẻ em. Khối phía sau cũng cao 4 tầng, dành cho thương mại, homestay của chuyên gia, nghệ nhân, nhà hàng tinh hoa ẩm thực Bát Tràng. TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch - Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết các làng nghề trên thế giới khi làm du lịch thường có xu hướng có các khu lưu trữ và giữ gìn kỹ thuật nghề. “Chẳng hạn, ở Peru có một làng có nghề dệt len từ lông một loại động vật. Khi tới khu này, khách được hướng dẫn cách phân biệt lông giả và thật. Sau đó, họ được đưa vào khu vực sản phẩm để minh chứng là sản phẩm làm thật. Trải nghiệm đó làm khách thấy rất ấn tượng và hấp dẫn”, bà Thủy nói. Tất nhiên, khi khách thấy ấn tượng, việc mua sản phẩm cũng sẽ được thúc đẩy; chưa kể trải nghiệm này cũng kéo dài thời gian lưu trú.
Bà Thủy cho rằng ở Bát Tràng, khi phát triển một bảo tàng nghề cần có sự xâu chuỗi nghề thủ công với du lịch sáng tạo. Ở đó, khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn tham gia vào quy trình thực hành nghề. Ở Bát Tràng có một hiện vật mang lại trải nghiệm rất quý là lò bầu. Để sản xuất, người dân không dùng lò bầu (đun củi) nữa, thành ra lò bầu không còn mấy. Nếu có thể trải nghiệm được lò bầu sẽ rất thú vị”, bà Thủy nói.
Trinh Nguyễn |
|