Với chiều cao 32m, sải tay rộng 18.4m tượng Chúa Kitô Vua được xác lập kỷ lục “Tượng chúa Kito lớn nhất châu Á”. Đây là điểm tham quan không thể bỏ qua tại thành phố Vũng Tàu. Du khách có thể chiêm ngưỡng tượng Chúa Kitô Vua từ mọi hướng trong thành phố. Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là lên đỉnh Núi Nhỏ, đến chân tượng và đi theo cầu thang bên trong lên đài quan sát ở hai bên vai tượng để ngắm toàn cảnh thành phố và bờ biển bao quanh. Tượng Chúa Kitô Vua được khởi công xây dựng từ đầu những năm 1972 nhưng do nhiều tác động của các yếu tố bên ngoài nên công trình đã bị tạm ngưng và dịch chuyển vị trí xây dựng, mãi đến năm 1994 mới chính thức khánh thành. Tọa lạc trên đỉnh Núi Nhỏ, ở độ cao 167m so với mực nước biển, mới đầu Tượng Chúa có thiết kế khác so với bức tượng hiện nay, nhưng do công trình được xây dựng ở vị trí khác cao hơn, khí hậu phức tạp, đòi hỏi phải có một thiết kế có kết cấu và quy mô vững chắc nên bức tượng đã được thay đổi thành thiết kế như ngày nay. Tượng Chúa Kitô Vua như một ngọn tháp canh thu vào tầm mắt du khách toàn bộ cảnh quan của thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Công Đạt Nhìn từ đài quan sát bên vai tượng Chúa, xa xa bên tay phải là Mũi Nghinh Phong, bên trái là đảo Hòn Bà. Ảnh: Công Đạt Tượng Chúa Kitô Vua hướng ra biển Vũng Tàu. Ảnh: Công Đạt Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, từ chân lên đến hai vai của tượng chúa. Ảnh: Công Đạt Dưới chân tượng chúa có di tích "Trận địa pháo cổ" núi Nhỏ, là công trình quân sự do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ảnh: Thông Hải Tượng Chúa có chiều cao 32 mét được đặt trên bệ khối chạm hình Chúa và 12 tông đồ, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ Tượng, trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan cùng một lúc. Vật liệu để xây dựng Tượng Chúa hầu hết lấy từ trong nước như: cát, sỏi khai thác ở sông Đồng Nai; đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước Đà Nẵng. Vì xây dựng ở vị trí cao nên việc vận chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi rất khó khăn, cộng thêm việc đào móng cũng vất vả không kém vì trên đỉnh núi là hệ thống địa đạo bê tông được xây dựng rất chắc chắn dưới thời Pháp thuộc. Ngày 18 tháng 01 năm 1993, Tượng Chúa Kitô Vua được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Với thiết kế độc đáo và quy mô hoành tráng, ngày 15 tháng 05 năm 2006, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và Công ty Văn hóa Đầm Sen đã trao cho bức tượng này kỷ lục là "Tượng chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam. Ngày 9/1/2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố 10 sự kiện của kỷ lục Việt Nam năm 2012, trong đó "Tượng Chúa Kitô Vua (Vũng Tàu)" được xác nhận là "Tượng Chúa Kitô lớn nhất”. Muốn lên tượng Chúa, du khách phải trải qua hàng trăm bậc thang đá. Ảnh: Thông Hải Đường lên tượng Chúa như một thử thách cho những ai muốn chinh phục. Ảnh: Thông Hải Du khách thích thú với quang cảnh bên dưới chân tượng chúa. Ảnh: Thông Hải Du khách chụp ảnh, nghỉ ngơi và thưởng lãm cảnh quan dưới chân tượng. Ảnh: Thông Hải Bậc thang đá dẫn lên chân tượng chúa, xa xa là Mũi Nghinh Phong, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Vũng Tàu. Ảnh: Thông Hải Phong cảnh hữu tình của thành phố biển Vũng Tàu nhìn từ vai tượng chúa Kito. Ảnh: Công Đạt Quang cảnh đẹp lộng lẫy của thành phố biển Vũng Tàu. Ảnh: Thông Hải Tượng Chúa Kitô Vua mở cửa đón khách từ lúc 7h sáng đến 5h chiều và không thu phí. Khi đi tham quan tượng du khách cần nhớ chọn trang phục lịch sự, nên lựa chọn giày dép phù hợp có thể đi bộ thoải mái để leo lên các bậc đá cao. Thực hiện: Công Đạt - Thông Hải |
Điểm đến (Thư viện) > Bà Rịa - Vũng Tàu >