đăng 02:20 19 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Bến Vân Đồn ở đâu?
Nếu bạn là dân Sài Gòn thì khi nghe câu hỏi này theo phản xạ tự nhiên bạn sẽ trả lời ngay: Ở quận 4 chớ ở đâu? Tất nhiên rồi, vì Bến Vân Đồn là con đường cặp theo rạch Bến Nghé ở quận 4.
Đường Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM Thế nhưng nếu không phải dân Sài Gòn, bạn sẽ dừng một chút để suy nghĩ và trả lời rằng: Vân Đồn ở Quảng Ninh. Đúng luôn! Nhứt là thời gian gần đây sân bay Vân Đồn là nơi nhiều khách nước ngoài về Việt Nam và... đi cách ly.
Thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý (1149), đến thời Trần đã phát triển tới hưng thịnh. Ngày nay Vân Đồn là một huyện của tỉnh Quảng Ninh. Trong lịch sử, trận Vân Đồn gắn liền với tên tuồi danh tướng Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng năm 1288. Đó là lý do khiến Bến Vân Đồn được đặt thành tên một con đường ở Sài Gòn.
Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Tương tự như vậy, Bến Bạch Đằng thì ở Sài Gòn, nhưng sông Bạch Đằng lại ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Ninh Kiều ở đâu?
Trời, Ninh Kiều ở Cần Thơ, ai mà hổng biết, nhứt là nó còn được nhắc đến trong bài Chiếc áo bà ba mà rất nhiều người thuộc:
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba Anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm Qua bến bắc Cần Thơ
Thế nhưng đọc lại lịch sử bạn sẽ thấy: Trận Ninh Kiều là một trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn diễn ra năm 1426, còn gọi là trận Chúc Động. Ninh Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy), khi quân Minh tháo chạy qua sông, nghĩa quân Lam Sơn đã tập kích và chặt đứt cầu, quân Minh chết đuối làm nghẽn cả một khúc sông. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có nhắc đến sự kiện này trong câu:
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm
Ninh Kiều ngày ấy nay là thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Năm 1957, tỉnh trưởng Phong Dinh (tức Cần Thơ) là ông Đỗ văn Chước đã cho lập nơi bến sông Cần Thơ một công viên cây kiểng và bến dạo mát. Sau đó, theo gợi ý của ông Ngô văn Tâm là trưởng ty nông nghiệp lúc ấy, ông Chước đã đệ trình lên tổng thống Ngô Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Tên Ninh Kiều được lấy theo địa danh lịch sử thời chống quân Minh như đã kể ở trên.
Bây giờ ở Cần Thơ có quận Ninh Kiều. Như vậy là Ninh Kiều ở Cần Thơ hay ở Hà Nội... cũng được!
Tây Đô ở Vĩnh Long?
Tây Đô là Cần Thơ. Ai cũng biết như vậy. Nếu có người nói Tây Đô ở Vĩnh Long sẽ bị cười hoặc... thông cảm, cho rằng sai vài chục cây số.
Thế nhưng hoàn toàn chính xác là Tây Đô ở Vĩnh Long, không sai đâu mà.
Xin nhắc rằng xưa kia Đông Đô là thành Thăng Long, còn Tây Đô là thành nhà Hồ, ở Thanh Hóa. Tây Đô, tức Thành nhà Hồ, xây trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc XÃ VĨNH LONG, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
Thành nhà Hồ ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Vậy Tây Đô ở Vĩnh Long, đồng ý chưa nè?
Bình Dương ở Bình Định, Long Khánh ở Đồng Tháp?
Có lần đang ngồi ở Quy Nhơn nói chuyện với bạn bè, nghe mấy ảnh nói sáng mai có việc đi Bình Dương tới trưa mới về, tui nghĩ bụng sao từ Bình Định đi Bình Dương mà lẹ vậy? Hóa ra hổng phải. Bình Dương đây không phải tỉnh Bình Dương ở Đông Nam Bộ, mà là thị trấn Bình Dương thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn 70 km. Nói thêm là ở Phù Mỹ chẳng những có Bình Dương mà còn có cả... Long Khánh nữa! Đó là thôn Trinh Long Khánh, thuộc xã Mỹ Cát.
Còn ở Đồng Tháp thì lại có đến 2 Long Khánh. Đó là xã Long Khánh A và xã Long Khánh B, thuộc huyện Hồng Ngự. Đặc biệt là bãi tắm cồn Long Khánh thuộc xã Long Khánh A là một điểm du lịch khá thu hút du khách!
Còn nhiều nơi trùng tên nữa, nhưng ngừng ở đây thôi, không khéo lại rối, chả biết ở đây là ở đâu nữa thì phiền lắm!
Phạm Hoài Nhân |
đăng 06:16 17 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 01:16 18 thg 4, 2021
]
Ai qua bến Đà giang?
Tui... chưa qua bến Đà giang, cũng chưa từng có dịp đi dọc đoạn sông Đà nào. Thế nhưng trong đầu tui vẫn có những nét khái quát về sông Đà, bởi vì hồi nhỏ tui... có học Địa lý! Chi tiết ấn tượng nhất mà tui nhớ về sông Đà là có một đoạn sông chảy ngay dưới chân Hoàng Liên Sơn, dãy núi cao nhất Việt Nam. Chi tiết này gợi lên một hình ảnh hùng vĩ và hoang dã về sông Đà.
Hình ảnh sông Đà trong bài học địa lý mang tính học thuật và hơi khô khan, hình ảnh sông Đà trong âm nhạc mới thật sự lãng mạn và khắc sâu vào lòng. Bài hát nổi tiếng Thuyền viễn xứ của Phạm Duy, phổ từ thơ Huyền Chi có 2 câu nhắc đến Đà giang: Làn mây hồng pha ráng trời Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người
và
Quay lại hướng làng Ðà Giang lệ ướt nồng
Nhưng sông Đà được nhắc đến nhiều nhất, được đặt thành tựa bài và là chủ đề chính của bài hát chính là trong bài Nhớ bến Đà giang của Văn Phụng. Theo lời kể của Văn Phụng, ông sáng tác bài Nhớ bến Đà Giang sau khi đã di cư vào Nam (theo Trương Quý, bài hát này được sáng tác vào khoảng 1958) và nhớ về quê nhà bên bến Đà Giang. Khi đã viết xong bản nhạc này theo điệu Valse, ông biên thư về Hậu Giang nhờ nữ sĩ Chiêu Tranh soạn lời theo ý tưởng của ông, vì trước đó ông nhận được lá thư của nữ sĩ trẻ này nói rằng: Sau khi tìm hiểu những bản nhạc của Văn Phụng, Chiêu Tranh có thể đặt lời cho các bản nhạc mà ông soạn.
Đập thủy điện Hòa Bình trên sông Đà.. Ảnh: Wikipedia Nhớ bến Đà GiangNhạc: Văn Phụng. Lời: Chiêu Tranh
Ai qua bến Đà Giang, cho tôi nhắn vài câu Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau Chia ly đã từ lâu, ôi mong nhớ làm sao Bao nhiêu bóng người thân mến năm nào Tôi thương mái chèo lơi, bên manh áo tả tơi Những người lái con đò trên dòng nước Ai qua bến Đà Giang, nghe trăng gió thở than Bâng khuâng ngắm dòng sông nước mơ màng
Đà Giang nước biếc thuyền theo sóng triền miên Người ơi, có nhớ? Lòng ta vẫn mong chờ
Tôi mơ bến ngày xưa, bên đôi mái chèo đưa Nhịp nhàng gió ru hoà duyên tình nước Ai xuôi bến Đà Giang, ai qua chuyến đò ngang Cho tôi nhắn niềm thương nhớ dâng tràn
Ai xuôi bến Đà Giang, ai qua chuyến đò ngang Cho tôi nhắn niềm thương nhớ đầy vơi
Nhớ bến Đà Giang, do Phương Hồng Quế trình bày Sông Đà ở Nam Định?
Khoảng năm 2003 - 2005, đội bóng đá tỉnh Nam Định mang tên là Sông Đà - Nam Định. Như đội bóng Nghệ An mang tên Sông Lam - Nghệ An bởi vì sông Lam là con sông chính của Nghệ An. Vậy ắt hẳn sông Đà phải là con sông chính của Nam Định chớ còn gì nữa?
Theo tui nhớ thì sông Đà chủ yếu chảy qua các tỉnh vùng cao phía Bắc chớ đâu có chảy qua vùng đồng bằng sông Hồng như Nam Định. Thắc mắc quá, tui học lại địa lý để coi sông Đà chảy qua những đâu. Thì đây: Điểm đầu sông Đà từ Trung quốc chảy vào Việt Nam là biên giới tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Điểm cuối là ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Vậy là sông Đà không hề chảy qua Nam Định. Vậy... mắc chứng gì đội bóng tỉnh Nam Định lại mang tên Sông Đà - Nam Định?
Hóa ra là trong giai đoạn 2003 - 2005, nhà tài trợ chính cho đội bóng Nam Định là Tổng công ty Sông Đà (mà trụ sở công ty này là ở Hà Nội, cũng là nơi sông Đà không hề chảy qua!) Tui nghĩ bụng: nếu mai mốt chẳng may mà Xí nghiệp Dược Hậu Giang tài trợ cho đội bóng Đồng Nai thì mình sẽ gọi tên nó là Hậu Giang - Đồng Nai!
Phạm Hoài Nhân |
đăng 06:52 24 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Nhắc đến Quảng Ngãi, nhiều người vẫn hay nhớ về miền Ấn - Trà, với ngọn núi Thiên Ấn và dòng sông Trà Khúc, cùng với các dòng sông Trà Bồng, sông Vệ, sông Trà Câu, là bốn dòng sông lớn ở xứ Quảng. Những dòng sông bắt đầu từ đâu?
Có rất nhiều câu chuyện về các dòng sông, mà chỉ riêng thượng nguồn của dòng sông đã là câu chuyện dài, thú vị. Những con sông được hợp thành từ nhiều nguồn nước, nên khó xác định nguồn gốc chính xác bắt đầu từ đâu, mà chủ yếu tìm hiểu về những hợp nguồn chính tạo nên. Theo Địa chí Quảng Ngãi, sông Trà Khúc là sông lớn có lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác trong toàn tỉnh. Ở thượng nguồn sông, có ba nguồn nước chính hợp thành gồm sông Re, sông Rin, sông Xà Lò. Sông Trà giống như một cái cây có nhiều nhánh tẻ ở đầu nguồn. Công trình thủy lợi Thạch Nham bắc ngang dòng sông, đã mang nước tưới cho nhiều cánh đồng trong tỉnh, góp phần mang đến những vụ mùa bội thu.
Núi Ấn - sông Trà. ẢNH: LÊ VĂN THUẬN
Còn dòng sông Trà Bồng nổi tiếng với tác phẩm “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh nằm về phía bắc của tỉnh, bắt nguồn từ những dãy núi cao của huyện Trà Bồng. Trên dòng chảy của mình, sông Trà Bồng còn có nhiều phụ lưu, là những con suối chảy dồn về như suối Trà Bói, suối Nun, suối Nguyên, suối Cà Đú... Sông chảy qua huyện Bình Sơn, đổ ra biển tại cửa Sa Cần. Hạ lưu phía đông huyện Bình Sơn có thế đất khá cao, nên sông Trà Bồng không còn chảy xiết như đoạn thượng nguồn, mà dòng chảy chậm hơn.
Sông Vệ bắt nguồn từ núi rừng huyện Ba Tơ, chảy theo hướng tây nam - đông bắc, giữa các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức. Sông Vệ đổ ra Biển Đông qua hai cửa biển, gồm cửa Lở và hợp với sông Trà Khúc đổ về cửa Đại Cổ Lũy. Sông Vệ có các phụ lưu như sông Liên, sông Tà Nô, sông Mễ... Ngoài ra, sông Vệ có các chi lưu như sông Thoa, các nhánh sông khác như sông Cây Bứa, sông Phú Thọ. Còn sông Trà Câu nằm về phía nam của tỉnh, bắt nguồn từ vùng núi huyện Ba Tơ. Ở cuối nguồn, sông Trà Câu nhập lưu với sông Thoa đổ ra cửa Mỹ Á.
Sông và người
Tùy theo mùa mà các con sông ở Quảng Ngãi lúc thì hùng vĩ, lúc nên thơ. Nhưng sẽ vô hồn nếu thiếu những con người và sinh hoạt của nó. Những con thuyền đánh cá, những chiếc ghe buôn sớm chiều trên sông là cảnh thường thấy ở mọi nơi.
Nhưng cảnh đặc thù có thể nhận ra, trên sông Trà Khúc xưa là những bờ xe nước chắn ngang sông, kỳ vĩ quay đưa nước lên đồng. Phía trung lưu có những cái ống cắm trên sông, người ta dắt đò đi dốc ống, đó là đánh bắt cá bống làm nên đặc sản cá bống sông Trà. Ở hạ nguồn có những người ngâm mình sâu trong nước, dắt theo chiếc chậu thau nổi trên mặt nước, đó là người ta đang nhủi don, cũng là một món đặc sản Quảng Ngãi.
Còn biết bao sinh hoạt mang tính đặc thù khác mà ta khó lòng biết hết. Ngoài việc cung cấp nước cho con người và cây trái, lòng sông từ nguồn chí biển cũng cung cấp thủy sản cho cuộc sống con người. Có rất nhiều tôm cá, từ thượng nguồn có cá niên, cá chình, ở trung lưu thì có cá tràu, cá diếc, cá rô, cá thác lác, ở hạ nguồn thì có các loài thủy sản nước lợ, như don, hến, lịch... Sông có nhiều đá thì có nhiều ốc đá, như sông Giang, sông Trà Bói. Sông có nhiều vực sâu thì có nhiều cá chình. Ở sông Vực Liêm phía tây huyện Đức Phổ có nhiều cá chình, nhiều người mê đi bắt cá chình thâu đêm suốt sáng, nên mới có câu ca: “Bao giờ sông hết cá chình/ Thì ta mới để cho mình ngủ chung”.
Tại vùng thượng lưu ngày nay có những hồ thủy lợi, hồ thủy điện. Tại vùng trung châu thì nổi tiếng là công trình thủy lợi Thạch Nham. Đó là những dấu ấn sâu sắc mà con người gắn cùng các dòng sông. Người xưa với cảm nhận sông là thiêng, sông là cội nguồn sự sống, có lễ hội đua thuyền trên sông, có thả hoa đăng trên sông, cũng là dấu ấn tâm linh của con người đối với sông nước.
Sông - nguồn cảm hứng
Gắn thân thiết với đời sống con người, sông cũng khơi nguồn cảm hứng vô tận cho các trước tác. Một đêm trăng huyền hoặc vào giữa thế kỷ XIX, thi sĩ Cao Bá Quát đã lang bạc đến sông Trà Khúc, nơi có “bãi uốn, sông như sầu quặn khúc” hùng vĩ đã khiến ông cảm hứng viết nên hai bài thơ nổi tiếng “Trà Giang dạ bạc” và “Trà Giang thu nguyệt ca”, với những nét thơ trầm hùng: Trượng phu chống kiếm, đi thì đi! Hai bài thơ ấy được xem là kiệt tác thơ của Cao Bá Quát. Dòng sông có sức mê hoặc, khơi chí hướng, vô hình góp sức làm nên khí chất con người.
Hai bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh (Quê hương, Nhớ con sông quê hương) đều gắn với dòng sông Trà Bồng quê ông. Thời Pháp thuộc có Borel, một nhân viên trồng trọt phụ trách tại Trạm Thí nghiệm Quảng Ngãi viết trên Tạp chí Kinh tế Đông Dương (B.E.I.C) năm 1906 nhan đề “Ghi chép về guồng xe nước ở tỉnh Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp Notes sur les Norias de la Province de Quảng Ngãi).
Chính sự mê hoặc của các guồng xe nước trên sông Trà Khúc khiến P.Guilleminet, Chánh sở Dân vụ, đã viết một chuyên khảo rất công phu mang tên “Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng nước ở Quảng Ngãi” (nguyên văn tiếng Pháp Une industrie Annamite: Les Norias du Quảng Ngãi). Cho mãi đến sau này, đây là chuyên luận chi tiết nhất, đầy đủ nhất và mang tính khoa học nhất về các guồng xe nước.
Thời hòa bình, các dòng sông tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho thơ và nhạc. Như nhạc sĩ Trương Quang Lục và nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu có ca khúc Hồ Thạch Nham mùa xuân sông Trà, nhạc sĩ Phan Quý và nhà thơ Nguyễn Ngọc Trạch viết ca khúc Chiều sông Re. Còn có bao nhiêu thơ nhạc thì không thể kể xiết.
Những tứ (bốn) nổi tiếng ở xứ Quảng Điều trùng hợp thú vị, đó là tại Quảng Ngãi có bốn con sông lớn, gồm sông Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu và sông Vệ. Bốn ngọn núi nổi tiếng gồm Thiên Ấn, Thiên Bút, Cà Đam, Thạch Bích. Ngoài ra, “Chim mía Xuân Phổ, cá bống sông Trà, kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ” là bốn món ăn nổi tiếng của Quảng Ngãi xưa... |
|
đăng 06:46 23 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Ở nơi con sông chảy về với biển, qua bao đời vẫn thế, mênh mông bát ngát mà rất đỗi hiền hòa, ôm ấp, chở che như lòng mẹ. Nơi đây con nước mặn - ngọt dung hòa, cởi mở như lòng người hướng ra biển lớn. Không chỉ ôm vào lòng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, nơi con sông chảy về với biển còn chứa đựng lịch sử lưu dấu qua nghìn năm.
Quảng Ngãi có 6 cửa biển: Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại, cửa Lở, cửa Mỹ Á và cửa biển Sa Huỳnh. Mỗi cửa biển có một lịch sử và một vẻ đẹp riêng.
Sa Cần quyến rũ
Nơi cuối con sông Trà Bồng xanh biếc trước khi đổ ra biển là cửa biển Sa Cần (Bình Sơn) đẹp đến nao lòng. Trong ánh nắng vàng rộm nơi cửa biển, xa xa ngoài cửa biển là hòn Ông án ngữ để chắn sóng gió, bảo vệ tàu thuyền, phía bên trong là hòn Bà tọa lạc ở vị trí hiếm có ngay giữa sông như để chở che cho làng chài. Với cư dân làng chài, hòn Ông, hòn Bà rất linh thiêng, nên đều có miếu thờ.
Cửa biển Sa Cần tuyệt đẹp, bình yên đến lạ dẫu cách đó không xa là nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc KKT Dung Quất đang hoạt động. Anh Nguyễn Hữu Trung (40 tuổi), hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hải Ninh, chia sẻ: “Tuổi thơ chúng tôi tắm mát ở khúc sông này, câu cá ở gành đá, kéo lưới, đêm đêm nghe giọng hò bả trạo của các bác, các chú. Sa Cần hiền hòa, chở che, nuôi dưỡng các thế hệ người dân quê tôi”.
Cửa biển Sa Cần. ẢNH: MINH THU Theo chân anh Trung, chúng tôi tìm gặp các bậc cao niên để hiểu hơn về Sa Cần xưa và nay. Ông Vũ Huy Bình (71 tuổi), ở thôn Hải Ninh, nhớ lại: Nơi đây ngày trước có cả đò ngang, đò dọc. Từ ngày khởi động KKT Dung Quất, có cầu bắc qua sông Trà Bồng, bến đò xóm Cửa dừng hoạt động. Riêng bến cá Sa Cần thì vẫn nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản như thuở nào.Xa hơn nữa, cửa biển Sa Cần gắn với dấu tích của vua Lê Thánh Tông. Theo sử sách, năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã đặt chân đến vùng đất này. Sa Cần trước có tên là Thể Cần, tức là hái rau cần, gắn với việc vua Lê Thánh Tông lệnh cho quân sĩ vì thiếu lương thực phải hái rau cần mà sinh sống.Ngày nay, ở vùng lân cận cửa biển Sa Cần còn nhiều dấu tích của vua Lê Thánh Tông như: Làng Tổng Binh là nơi quân sĩ đóng quân; Vạn Tường là địa danh có nguồn gốc từ tiếng hô chúc tụng đức vua; giếng Vua ở làng Thanh Thủy là nơi vua lấy nước ngọt; động Hàng Đô là nơi vua và tướng đóng doanh trại...Theo các nhà nghiên cứu, cửa Sa Cần gắn liền với con đường quế, người xưa thu mua quế từ Trà Bồng đi bằng đường sông xuống cửa Sa Cần, rồi từ Sa Cần đi theo các tuyến hải thương buôn bán, có thể đi vào Thu Xà và từ Thu Xà xuất đi các nơi khác. Các nhà khảo cổ cũng đã tiến hành khai quật các con tàu cổ đắm tại cửa biển Sa Cần, tìm thấy ở đây khu mộ chum rất lớn của người Sa Huỳnh. Qua chỉ dấu này cho thấy, trong các giai đoạn lịch sử từ thời Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt, cửa Sa Cần đều có vị trí rất quan trọng.Ngay trên cửa Đại là cầu Cổ Lũy vừa được xây dựng với kinh phí 2.250 tỷ đồng. Đây là cây cầu đẹp nhất ở Quảng Ngãi bắc qua sông Trà Khúc tính đến thời điểm hiện tại, mở ra tương lai tươi sáng cho vùng đất ở khu vực cuối dòng sông này. Từ đây, nhìn về phía biển với ánh bình minh chiếu sáng, một cảm giác không gì thú vị bằng.
Lưu dấu ngàn nămTừ cửa Sa Cần xuôi về phía nam là cửa biển Sa Kỳ, ở giữa hai xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), nơi sông Châu Me và sông Chợ Mới đổ ra biển. Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: Lịch sử xa xưa ghi dấu cửa biển Sa Kỳ gắn liền với thành Châu Sa của người Champa, là vị trí giao thương quan trọng. Từ cửa Sa Kỳ, người xưa đi theo sông Chợ Mới lên Châu Sa. Tuyến hải thương của Châu Sa đi theo hai cửa, phía nam là cửa Đại, phía bắc là cửa Sa Kỳ. Cửa Sa Kỳ cũng có vị trí đặc biệt quan trọng thời Đại Việt, không chỉ là nơi giao thương với bên ngoài mà còn gắn liền với Đội hùng binh Hoàng Sa. Tại đây vẫn còn dấu tích của đình An Hải, nơi quan binh đến để kiểm soát nhân sự, chuẩn bị đưa dân binh đi ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển và tìm kiếm sản vật. Cửa biển Sa Kỳ là nơi ra Lý Sơn gần nhất so với các cửa biển khác nên ngày nay là cảng biển nhộn nhịp bậc nhất của tỉnh.Cửa biển lớn nhất của Quảng Ngãi là cửa Đại hay còn gọi là cửa Đại Cổ Lũy, nằm giữa các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An, Tịnh Kỳ và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), là nơi giao nhau giữa sông Trà Khúc, sông Vệ trước khi đổ ra biển. Vượt qua bãi cát rộng ở bờ nam cuối sông Trà Khúc, chúng tôi đến nơi hợp nước giữa sông và biển. Từng con sóng nước hiền hòa vỗ nhẹ vào bờ, hai dòng sông lớn được ví như dòng sữa mẹ nuôi lớn bao thế hệ người xứ Quảng đến đây như đã hoàn thành sứ mệnh.Sông Trà Khúc, sông Vệ rộng lớn là vậy, đến hơn 500-1.000m, nhưng mãi đến thời Pháp mới có cầu bắc qua sông. Vì thế, đường sông là tuyến giao thông huyết mạch của người xưa là vậy. Dấu vết của người xưa hiện hữu rất rõ ở khúc sông này, càng cho thấy vị trí đặc biệt quan trọng của dòng sông, cửa biển xưa và nay. Cách đó không xa là núi Phú Thọ thuộc xã Nghĩa Phú.Từ trên đỉnh núi, nhìn thấy rất rõ nơi cửa biển và làng chài Cổ Lũy, phong cảnh nên thơ, hữu tình. Năm 1750, danh sĩ Nguyễn Cư Trinh khi đến trấn nhậm, làm Tuần Vũ Quảng Ngãi đã vịnh 10 cảnh đẹp Quảng Ngãi, “Cổ Lũy cô thôn” là một trong số đó. Cửa Đại một thời gắn liền với phổ cổ Thu Xà và bến cảng Phú Thọ sầm uất.Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, cửa Đại gắn liền với hai trung tâm quan trọng của người Champa là Cổ Lũy và Châu Sa. Qua khai quật khảo cổ cho thấy ở đây là trung tâm thương mại, chính trị, tôn giáo, hòa trộn 3 yếu tố để hình thành nên một điểm tạm gọi như là tiểu quốc của người Champa từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, quy mô rất lớn, bao gồm cả phía bờ nam của sông Trà Khúc. Các dấu tích đặt hầu như ở núi Phú Thọ và triền thấp ở khu vực lân cận. Hoạt động giao thương ở đây rất phồn thịnh. Quanh khu vực này có rất nhiều đền tháp.Cửa Đại là yếu tố quan trọng để hình thành văn hóa, trung tâm chính trị của một vùng đất, sau này là những thiết chế hành chính ở trục hạ lưu phía nam sông Trà Khúc. Xa xưa, từ trục sông Vệ phát triển giao thương với người dân ở phía tây Quảng Ngãi như Ba Tơ, Nghĩa Hành, hình thành rất nhiều chợ ven sông, sau đó đưa hàng hóa xuôi về Thu Xà ra cửa Đại để bán đi các nơi. Rõ ràng, cửa Đại có vai trò quan trọng đối với lịch sử phát triển của vùng đất Quảng Ngãi xưa.Xuôi về phía nam còn có cửa Lở, nơi một nhánh con sông Vệ đổ về, nằm giữa hai xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) và Đức Lợi (Mộ Đức). Theo Quảng Ngãi tỉnh chí thì cửa Lở được mở năm Khải Định thứ 7, tức là năm 1922. Còn cửa Mỹ Á, nằm giữa phường Phổ Quang và phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), nơi sông Thoa, sông Trường và sông Trà Câu hợp nước đổ ra biển. Đối với cửa Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), theo sử sách thì thời xa xưa nguồn thu từ cửa Sa Huỳnh rất lớn, đặc biệt là buôn bán muối. Nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích gắn liền với người Sa Huỳnh và Champa cổ xưa.Các con sông và cửa biển ở Quảng Ngãi đóng vai trò đặc biệt quan trọng, dẫu rằng nhiều địa điểm nổi tiếng thuở xưa nay đã trở thành hoài niệm. Ngày nay, trên vùng đất Quảng Ngãi, con đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đang được xây dựng, đó là con đường kết nối các cửa sông, con đường chứa đầy giá trị lịch sử từ xa xưa đến hiện tại. Ở những nơi con sông chảy về với biển, dòng nước mặn ngọt chan hòa, cởi mở như lòng người hướng ra biển lớn.rMINH ANH |
đăng 06:38 23 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Bến Tam Thương gắn với vùng đất Ấn - Trà một thuở xa xưa tấp nập trên bến dưới thuyền. Chỉ nghe tên gọi “Tam Thương” đã thấy dạt dào thương nhớ... Ngày nay, bến Tam Thương nằm trên trục đường chính nối dài với cầu Trà Khúc 2 (TP.Quảng Ngãi). Dù không sầm uất như những bến đò khác, nhưng nơi đây đã in đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử một thời.
Lần tìm… “Tam Thương”
Ngày xưa, khi huyết mạch giao thông nối các miền quê là những dòng sông, thì các bến chợ là nơi ghi dấu bao câu chuyện đầu bờ cuối bãi. Tuổi thơ của bà Vương Thị Kim Loan (85 tuổi) ở tổ 3, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) đã gắn với bến Tam Thương, khi nơi đây được coi là chợ nổi.
“Gọi là Tam Thương vì là nơi ba ngã thông thương, buôn bán trên bến dưới thuyền, ghe từ dưới xuôi mang mắm cá lên non, rồi từ miền cao chở củi xuống đồng bằng. Bến chợ ấy ra đời đã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân địa phương. Các ghe thuyền xuôi ngược, tiếng rao lẫn tiếng mua bán nhộn nhịp. Giờ không còn cảnh người người chen nhau buôn bán, nhưng “bến chợ” vẫn đọng lại ký ức trong tôi”, bà Loan bồi hồi nhớ lại.
Những bồi lấp của thời gian, lịch sử ít nhiều làm phôi phai dấu ấn về bến Tam Thương, nhưng cái tên ấy vẫn đọng lại ký ức với nhiều người dân xứ Quảng. Ảnh:Trung Ân
Theo nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong, địa danh Tam Thương xuất hiện thành văn tự trong tư liệu sớm nhất khoảng sau năm 1954. Đó là xóm “Tan Tuong” nằm ở khu vực gần đầu cầu Trà Khúc, xưa thuộc thôn Phú Hoà, làng Chánh Lộ xưa. Rất có thể trước đó ở đây có một cụ làm quan chức Tán Tương (tức là chức vụ quan võ của triều đình, gọi đầy đủ là tán tương quân vụ), khi hồi hưu cụ về quê, nên người dân lấy tên xóm là Tán Tương. Khi người Pháp ký âm trong tư liệu chỉ còn là Tan Tuong, để sau này biến đổi thành là Tam Thương.
Một giả thiết khác, sau năm 1954, chính quyền có khơi đào một dòng chảy cũ phía bắc thành cổ Quảng Ngãi để trở thành một con kênh nối từ sông Trà Khúc vào khu vực ngã tư Quang Trung - Trương Quang Trọng, gọi là sông Đào. Sông Đào được dùng để đưa ghe, thuyền vào thông thương buôn bán, giao lưu văn hoá giữa miền xuôi và miền ngược, từ đây phát triển các chợ ở cửa sông, bến nước... Và bến Tam Thương là tên gọi trại đi của Tạm Thương, tức các kho tạm ra đời tại bến sông sau sự hình thành của con sông Đào này.
Còn theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, dựa vào các tài liệu viết bằng chữ Hán và các trang sử liệu còn lưu lại thì “Thương” ở đây là kho chứa (thóc, ngũ cốc). Ngoài kho thóc để dùng chứa thóc do người dân nộp thuế tô, thuế điền cho triều đình, vào thời Tự Đức nhà vua khuyến khích lập xác (xã thương), “nghĩa thương” để kịp thời chẩn chấp hoặc cho dân vay thóc mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, cho những người nghèo khổ tại địa phương. Tại đây đã có ba kho chứa thóc như vậy, nên gọi là “tam thương”. Như vậy, các kho chứa này đã có cách đây lâu lắm rồi, chứ không phải ra đời ở thế kỷ XX. Chỗ các kho chứa là nơi thuyền bè qua lại, nên người ta còn hiểu là nơi buôn bán...
Gắn với văn hoá, thơ ca
Người dân sống ở khu vực gần bến Tam Thương qua bao đời sống dựa vào nghề đánh bắt trên sông Trà Khúc. Bà Loan kể: Mùa hè, người dân sống gần bến Tam Thương dùng bờ xe để đưa nước lên đồng ruộng, từ bên này sang bờ bên kia để tưới cho rau màu. Những ngày nước lớn, tôi theo cha đi thả bè rớ đánh bắt cá trên sông Trà Khúc. Cả xóm bè treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt sông dẫn dụ cá vào tấm lưới. Cá được đem về kho mặn, muối mắm, còn dư thì đem ra chợ bán. Đó là chút hoài niệm về bến sông xưa với những ai từng lớn lên ở nơi này...
Chẳng phải vô tình mà cái tên “Tam Thương” lại được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm thơ ca, nhạc hoạ. Kỳ lạ thay, bất cứ một tác phẩm nào có “dính dáng” đến hai chữ “Tam Thương” cũng khiến con người ta dốc hết bâng khuâng, dốc hết miên man để chạy theo cảm xúc khó phai. “Một thương, hai thương, ba thương đó…có lẽ nào/ Có lẽ nào tình ấy phôi pha/ Em ơi! Bến Tam Thương chính là em đó/ Dù dãi nắng mưa, bên lở, bên bồi/ Hàng tre già chiều nay lá đổ/ Mà tình em xanh mãi trong ta” (trích thơ Bến Tam Thương của Nghệ sĩ ưu tú Tạ Hiền Minh).
Có thể bến Tam Thương đã gắn đời với chợ, giờ đã “vắng người sang những chuyến đò” bởi các con lộ giao thương phát triển muôn ngả với các phương tiện tân tiến. Nhưng địa danh này khơi dòng hoài niệm về một thuở, bởi “ghe lui còn để dấu dằm”...
TRUNG ÂN |
đăng 03:06 21 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Con sông quê hương đã chảy trong suối nguồn tâm tư ta từ thuở nhỏ, những bến sông lịch sử oai hùng, những bến sông bình dị... đều nặng nghĩa, nặng tình khiến ta nhung nhớ khôn nguôi. Tôi vẫn luôn dành riêng một khoảng trống trong tim mình cho những ký ức ngày cũ neo đậu. Bởi lẽ dẫu có sống giữa phố thị phồn hoa thì tâm hồn tôi vẫn mãi hướng về làng quê yêu dấu. Tôi sinh ra ở miền quê thật yên bình, nơi có dòng sông Trà hiền hòa, chứa đựng biết bao giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương Quảng Ngãi. Dòng sông tuổi thơ đã cho tôi vẫy vùng trong ánh nắng mùa hạ có phần chói chang với những đêm trăng vàng óng ánh cùng mái chèo sóng vỗ...
Buổi sáng trên sông Kinh. Ảnh: TẤN CƯ Một chiều cuối đông, cơn gió lạnh ngấm vào da thịt, tôi rời khỏi lối đi quen thuộc, hướng về con đường mới bên bờ nam sông Trà lộng gió, song hành cùng con sông xuôi về Cửa Đại. Những xô bồ, ưu tư giờ đây như được trút bỏ ở lại trong lòng thành phố. Đâu đây như nghe tiếng cười khúc khích nô đùa trên sóng nước, vang vang theo gió lộng. Ngắm sông mà lòng chợt vui khi năm tháng chảy trôi mà dòng sông dường như không già đi mà vẫn hiền hòa như dải lụa uốn quanh, cuốn theo tuổi thơ thật trong trẻo của tôi.
Còn nhớ, sông quê với những chiều hè, lũ trẻ lại í ới gọi nhau ra bến để tắm sông. Con sông quê yên bình bỗng chốc trở nên náo nhiệt, rộn vang. Ngày thơ bé, tôi và lũ bạn từng hò nhau xuống vườn, lăm lăm con dao lén đốn chuối, cùng nhau khệ nệ vác khúc chuối ấy, kết thành bè cùng nhau bơi ra sông, rồi hát vang những bài đồng dao vui nhộn. Những lần trốn nhà lội sông ấy, chúng tôi đã không ít lần bị bố mẹ cho những trận đòn nhớ đời. Thật nhớ những ngày rong chơi lênh đênh trên chiếc bè chuối thú vị ấy!
Sông đã cấp nước cho ruộng đồng bờ bãi, cho bắp lúa lên xanh. Sông cũng đã nuôi dưỡng tâm hồn, tắm mát tuổi thơ cho bao bậc nhân tài trí dũng của đất nước. Những tên người, tên làng sinh ra từ sông, được sông nuôi dưỡng đã theo dòng chảy mãi, chảy vào lịch sử, văn hoá của quê hương, đất nước.
Sau này, trên dọc dài đất nước tôi còn được gặp gỡ rất nhiều dòng sông chở nặng ân tình, khiến tâm tư luôn thao thiết nhớ. Đó là một dòng sông Hương chảy vào biết bao trang sách, chảy trong huyết mạch của tình yêu xứ Huế mộng mơ. Là dòng sông Thạch Hãn nơi tuổi 20 của một thế hệ đã hoá thành sóng nước, “vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Đò xuôi Thạch Hãn - Lê Bá Dương). Là chín nhánh Cửu Long mang phù sa đắp bồi bờ bãi, tạo nên vùng đồng bằng trù phú Nam Bộ...
Những dòng sông đã ghi dấu tên tuổi của nó vào văn hoá, lịch sử đất nước, vào tâm tư con người theo sứ mệnh và cách riêng của nó. Dẫu bình dị hay hào hùng, dẫu lớn hay nhỏ, nông hay sâu vẫn vỗ mãi vào lòng người những lớp lang kỷ niệm. Để trong những khoảnh khắc ồn ã hay những khoảng lặng bình yên, giữa khúc quanh cuộc sống hay bằng phẳng đường đời ta đều nhớ về những ân nghĩa của dòng trôi...
Mãi sau này, lớn lên, mới càng thấy câu thơ của Tế Hanh sao mà sâu sắc: “Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng/ Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?/ Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!”. Chẳng biết đó là nỗi thiết tha hoài vọng, nhớ mong và tình yêu son sắt của nhà thơ trong những tháng ngày tập kết xa quê, hay ông đang nói hộ tiếng lòng của những con người đã rời xa con sông quê hương của mình vậy?
THIÊN DI |
đăng 02:59 21 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Nói rằng ở Quảng Ngãi có dòng sông đào, nhiều người lấy làm lạ. Nhưng có lẽ do quá quen thuộc, sông đào qua bao đời hiện hữu nên cứ ngỡ là dòng sông thiên nhiên kiến tạo. Dòng sông Bầu Giang uốn lượn, êm ái chảy trên địa phận huyện Tư Nghĩa đích thực là sông đào.
Thưởng ngoạn dọc dòng sông Bầu Giang mới thấy hết sự nên thơ, thú vị của dòng sông, dù đó là con sông đào. Đây là dòng sông mang nguồn nước mát tưới tắm cho những cánh đồng xanh tốt, cho hạt lúa căng tròn để nuôi lớn bao lớp người.
Dòng "huyết mạch"
Thật thú vị khi ngày xuân “mục sở thị” sông đào Bầu Giang. Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” của chúng tôi là Trưởng Chi nhánh Quản lý thủy nông số 3 huyện Tư Nghĩa Phan Sáu. Là dòng “huyết mạch” làm hồi sinh những cánh đồng nứt nẻ vì thiếu nước, giúp đảm bảo lương thực cho các hộ gia đình, con sông đào này minh chứng cho sự tài tình, chịu khó của người xưa.
Nguồn nước dòng sông đào Bầu Giang phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta ruộng đồng trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. ẢNH: LÝ SƯƠNG
Vốn tính cẩn trọng, anh Sáu mang theo bản đồ vẽ địa phận huyện Tư Nghĩa để chỉ rõ hình hài uốn lượn của dòng Bầu Giang. Anh Sáu cho biết: Con sông có chiều dài hơn 12km. Sông chảy từ phía tây, qua cầu Xóm Xiếc ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), chảy dọc theo phía bắc của xã Nghĩa Trung, thị trấn La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) và phía nam là của TP.Quảng Ngãi, sau đó chảy về phía đông và cuối cùng hợp nước với sông Vệ đổ ra biển.
Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, người khá quan tâm đến ngọn nguồn của dòng Bầu Giang, cho hay: Theo gia phả họ Bùi ở Ba La thì thuở trước làng Ba La khô khát nước. Ông tổ họ Bùi là Bùi Văn Đỗ từ Nghệ An di cư vào đây cuối thế kỷ XVII. Về sau con cháu cùng với một ông tổ họ Nguyễn cùng xã và hai người khác ở xã Điện An vận động dân hai làng lên tận Bến Đỉnh phía tây huyện Nghĩa Hành ngày nay đào kênh dẫn nước về. Kênh được đào qua nhiều vùng ruộng đất, men theo bờ ruộng, có đoạn gấp khúc, uốn lượn, nhiều đoạn phải đào qua đồi núi đầy sỏi đá. Về đến địa hạt Ba La, với sự tính toán tỉ mỉ, người dân đắp một con đập chắn ngang và mở hai mương, một nối về đồng Ba La, một hướng “chạy” về Điện An, người thời bấy giờ thường gọi là sông Đập. Việc phân nhánh, ngăn đập giúp điều chỉnh dòng nước tưới. Vào mùa nắng sẽ đắp đập cản lấy nước, còn mùa mưa thì tháo đập để nước chảy ra biển.
Nhớ ngày đắp đập, đào kênh
Con sông Bầu Giang gắn liền với câu chuyện về một con kênh mà người dân ở TP.Quảng Ngãi và Tư Nghĩa vẫn thường gọi là kênh Từ Ty, tức là kênh Tư Nghĩa. Các bậc cao niên nhắc đến cụ Từ Ty với tình cảm quý mến và tôn kính. Xưa kia, vào mùa hè sông Bàu Giang thường cạn nước, không đủ tưới cho các cánh đồng, dẫn đến mùa màng thất thu. Do vậy, huyện Tư Nghĩa chủ trương xây dựng kênh Tư Nghĩa dẫn nước từ sông Trà Khúc vào Bầu Giang.
Đứng bên đập ngăn nước trên sông Bầu Giang, cụ ông Ngô Xuân (85 tuổi) ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) từng tham gia đào kênh Tư Nghĩa kể lại: Đó là vào thời gian kháng chiến chống Pháp đầu năm 1951, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Từ Ty, lúc bấy giờ là Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Tư Nghĩa đã huy động nhân dân ngày đêm miệt mài đào kênh để dẫn nước từ sông Trà Khúc về dòng Bầu Giang, kênh bắt đầu từ phường Quảng Phú, dài 15km. Ông Từ Ty cho đào kênh và sửa chữa lại hai đập Ba La và Điện An để nguồn nước tưới có thể dẫn đến những xã có địa hình cao như Nghĩa Thương... “Tôi vẫn nhớ ngày đó, toàn dân cùng gánh cát, lót ván, đào kênh và khi thấy dòng nước chảy về ai cũng hạnh phúc, hân hoan. Nhờ ông Từ Ty, mùa màng bội thu đem lại cuộc sống no đủ, có sức phục vụ cho cách mạng. Bởi vậy, đến bây giờ, nhiều người dân ở huyện Tư Nghĩa vẫn nhắc đến cụ Từ Ty với sự biết ơn. Cũng vì yêu mến cụ, nên chúng tôi còn gọi kênh Tư Nghĩa bằng tên gọi khác đó là kênh Từ Ty”, ông Xuân trải lòng.
Ngày ấy, để đào kênh Tư Nghĩa, ngoài nguồn vốn Nhà nước, còn có sự huy động, đóng góp rất lớn của nhân dân. Huyện chủ trương vận động nhân dân góp cổ phần theo mức cứ 50 công là một cổ phần, khi thu được hoa lợi sẽ hoàn trả, đồng thời vận động thầu khoán, những gia đình giàu có cho mượn tiền và mượn quỹ các xã... Chỉ trong vòng 19 tháng, vào cuối năm 1952 con kênh đã hoàn thành với chiều dài 15km.
Đúng vào ngày 2.9.1952, lễ khánh thành kênh Tư Nghĩa được tổ chức ngay tại cửa kênh. Hàng nghìn người dân ở các xã về dự lễ, tất cả đều vui mừng khi nguồn nước sông Trà Khúc hợp vào dòng Bầu Giang. Cũng từ đó, ruộng đồng quanh năm tươi tốt, đem lại những vụ mùa bội thu. Mãi đến năm 1995, khi có công trình thủy lợi Thạch Nham, kênh Tư Nghĩa mới hoàn thành sứ mệnh dẫn nước sông Trà vào Bầu Giang, nhưng giờ đây con kênh lịch sử này vẫn còn hiện hữu. Riêng hai đập ngăn Ba La và Điện An được cụ Từ Ty chỉ đạo cải tạo khi xưa, nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Nhà nước vừa đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng kiên cố hai con đập này để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.
Trải qua hàng trăm năm, sông đào Bầu Giang giống hệt một dòng sông tự nhiên. Nguồn nước sông Bầu Giang vẫn cứ chảy mãi và là vốn quý của cha ông lưu lại cho đời sau.
LÝ SƯƠNG |
đăng 00:20 19 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Không chỉ Huế, mà vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị cũng có những địa danh một tiếng - độc âm nghe rất lạ, và đến nay chưa thể hiểu chính xác nghĩa là gì.
Xứ Cùa hôm nay đã thành một vùng quê trù phú của Quảng Trị - Ảnh: X.DŨNG Cây mai diệu kỳ xứ CùaCùa là một vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thời nhà Nguyễn là "kinh đô Tân Sở" - nơi vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến và ban chiếu Cần Vương. Còn nhớ hôm ngồi chơi ở làng Mai Lộc (xã Cam Chính) - xứ Cùa, ông Phan Văn Bảo, chủ nhà, chợt hỏi tôi: "Anh biết vì sao làng này có tên là Mai Lộc không?", tôi lắc đầu.Ông Bảo hào hứng kể: "Tổ tiên tôi vốn không phải ở Cùa mà ở dưới miệt ruộng Hải Lăng. Thấy làng mình đất chật người đông nên khăn gói tìm miền đất mới đặng an cư lạc nghiệp lâu dài, đi nhiều chỗ cuối cùng chọn Cùa vì thấy đây đất đai màu mỡ, có thể ăn ở đời đời.Ngày lên xứ Cùa, người cha dặn dò người con có dân làng cùng nghe: "Con đem theo cây mai này lên đất mới mà trồng, nếu cây sống thì yên tâm lập nghiệp lâu dài, nhược bằng không thì phải tìm đất khác".Theo lời dặn của cha, người con khi đến Cùa đã trồng cây hoa mai và hồi hộp dõi theo từng ngày. Dù đất lạ, thời tiết có khác nơi quê cũ nhưng cây mai đã sống. Mọi người hớn hở, tin rằng đất lành chim đậu. Cây mai quê cũ đã ra lộc nên họ đặt tên làng là Mai Lộc, đến nay trải qua đã nhiều đời, cũng đã gần 500 năm.Nghe chuyện ai nấy gật gù thú vị trước truyền kỳ có hậu như cổ tích. Bất ngờ ông Bảo kể thêm: "Vị tiền nhân khai khẩn làng Mai Lộc sau đó đã lấy một cành mai trên làng mới quay về tặng cho quê cũ. Người Việt mình đi đâu cũng nhớ về nguồn cội". Trước sân nhà ông Bảo cây mai vàng đang trổ hoa, mùa xuân đang đến với Mai Lộc - xứ Cùa.Cùa - đất cổ lạ lùng Người Cùa và nhiều nơi khác trong tỉnh này thường đùa rằng: hỏi quê ở đâu, đáp ở thành phố Xê-u-a (CUA) có nghĩa ở Cùa. Nhưng Cùa không phải là tên một làng, tên một xã hay cũng không phải là tên của một huyện. Đó là tên chung của một vùng đất bao gồm hai xã nằm cạnh nhau: Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ.Địa danh Cùa ra đời từ khi nào, có nghĩa là gì, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Vì rằng người bản địa từ già đến trẻ cũng chỉ biết rằng tên Cùa có từ lâu lắm rồi nhưng không rõ nghĩa là gì.Ông Lê Văn Kinh, một người cao tuổi thôn Cam Lộ Phường, xã Cam Nghĩa, nhấp chén chè xanh rồi vừa cười vừa nói: "Tui chỉ biết Cùa là Cùa thôi, còn có nghĩa chi, vì răng đặt tên như rứa thì chịu, mà e rằng rất nhiều người khác cũng rứa".Nhà giáo Thái Quốc Khánh, vốn là giáo viên dạy văn lâu năm và gắn bó với Cùa, cho đến ngày về hưu cũng trầm ngâm: "Câu hỏi khó quá, tôi cũng để tâm tìm hiểu mà chưa có được câu trả lời thỏa đáng".Nhà nghiên cứu lịch sử - thạc sĩ Lê Đức Thọ, phó giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Trị, cho biết: "Tôi cũng đang truy tìm gốc rễ tên gọi xứ Cùa. Nhưng tôi thiên về suy luận theo hướng địa danh Cùa liên quan đến Khùa, một tộc danh của nhóm người theo ngữ hệ Môn - Khmer có lẽ đã từng cư trú trên vùng đất này từ xa xưa, trước cả người Chăm".Đương nhiên đây cũng chỉ mới dừng lại ở giả thiết, cần phải có thêm cơ sở khoa học mới có thể tường minh. Ngay trong cuốn sách dày cộm đến 800 trang Địa danh Quảng Trị xưa và nay của tác giả Nguyễn Văn Ái cũng chỉ giải thích "Cùa là tên gọi của một vùng đất". Cho nên Cùa vẫn là một ẩn số với địa danh học Việt Nam, nơi có nhiều chuyện lạ.Một buổi trưa hè 2020, tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Phụng ở xóm Cây Đa, làng Mai Lộc để gặp hậu duệ của người đã tiếp vua Hàm Nghi những ngày Cần Vương 1885 bi tráng. Ông Phụng tuổi tác đã cao nhưng kể một cách say sưa chuyện ông nội mình là Nguyễn Vạn hằng ngày tiếp vua Hàm Nghi với sản vật vùng Cùa là mít chín và rượu làng, tất cả đều bày biện trên chiếc mâm làm từ gốc cây mít cổ thụ. Tôi lặng nhìn chiếc mâm chứng tích đã cũ mòn, đầy những vết sẹo thời gian qua nắng mưa, bom đạn đã 135 năm nay.Anh Nguyễn Văn Hoàng, con ông Phụng, giọng tự hào: "Gia đình tôi mấy đời dù có đi đâu cũng giữ lấy chiếc mâm và bát chén, nậm rượu ngày xưa đã từng dọn mời vua Hàm Nghi. Tôi cũng sẽ dặn con mình giữ lại cho cả đời sau nữa để biết thêm lịch sử của quê hương đất nước".Người Pháp gọi kinh đô kháng chiến Tân Sở chỉ tồn tại năm ngày một cách bóng bẩy là "Kinh thành phù du". Nhưng trong tâm thức dân gian, vua Hàm Nghi và cuộc Cần Vương chống Pháp của ông thì không hề phù du.
Phố Cộn - một khu đô thị sôi động phía tây nam Đồng Hới - Ảnh: X.DŨNG Ta đi trên đường phố CộnCuối tháng chạp, tôi ra Quảng Bình rồi đón xe ôm lên phố Cộn, nay thuộc phường Bắc Nghĩa của thành phố Đồng Hới. Tôi vào chợ Cộn hỏi các bà, các chị bán hàng: "Cộn có nghĩa là gì?". Ai cũng lắc đầu không biết, nhiều người nhìn tôi có vẻ thấy lạ. Anh Đinh Viết Hùng, bán hoa trước cổng chợ, bảo: "Bọn em làm ăn bao năm cũng chỉ biết đây là Cộn, còn chuyện gì nữa thì chịu".Ông Trần Văn Ngã, 72 tuổi, từng đi bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rồi xuất ngũ làm cán bộ hơn 20 năm ở Cộn này, thông tỏ nhiều chuyện.Khi tôi hỏi: "Có phải Cộn mới được đặt tên vào thời chống Mỹ hay không?", ông trợn mắt bác ngay: "Bậy nào, tôi có mặt ở đây từ khi đỏ hỏn, ông cha tôi cũng vậy. Tên Cộn có từ xa xưa. Ngày trước Cộn là một quả đồi, xung quanh cây cối um tùm thành rừng, phía trước chợ là bàu Cửa Chùa vì cạnh bàu nước có ngôi chùa. Đường làng hẹp, hai bên tre đầy, dân cư thưa thớt lắm. Nhưng mà Cộn có nghĩa là gì, tôi cũng không biết".TS Phan Viết Dũng, một nhà nghiên cứu am tường lịch sử, văn hóa Quảng Bình, cũng lắc đầu: "Xuất xứ của địa danh Cộn và nghĩa của nó thế nào, cho đến bây giờ tôi cũng chưa xác định được, đó vẫn là một câu hỏi cần tiếp tục tìm hiểu"...Ông Ngã vẫn say sưa câu chuyện ngày xưa xứ Cộn. "Ngày đó cọp hay về đây vồ cả người. Có ông Xẻ xóm dưới mới mất, bị cọp vồ sẹo một bên mặt". Nói về phong tục vùng Cộn, ông Ngã hào hứng: "Đám ma to ngày trước phải có hát chèo cạn, bà chị tôi mất cách đây hơn chục năm đám đưa như vậy. Này nhé, có ông cai chỉ huy biểu diễn, rồi đội múa hát tiễn đưa người đã khuất, ai cũng chen nhau mà xem. Văn nghệ hay lắm!".Giữa vùng núi đồi từng có chúa sơn lâm trú ngụ mà lại có điệu hát đưa linh vốn là đặc sản văn hóa của vùng biển miền Trung? Đang nghĩ ngợi chợt nghe ông Ngã nói: "Từ 23 tháng chạp, xe cộ đi nườm nượp lên phía tây chỗ Đồng Sơn cũng thuộc Cộn trước kia. Họ lên hương khói cho tổ tiên, ông bà. Tâm linh của cả nửa Đồng Hới đều nằm đó".Tôi đứng trên đường Lý Thái Tổ chạy qua chợ Cộn, cố hình dung quá khứ của mảnh đất này. Nhiều chuyện đã trở thành ký ức. Chợt nhớ câu nói ông Ngã lúc chia tay: "Chuyện Cộn, nói cả ngày không hết".Xứ Cùa là vùng đất đã được hình thành từ thuở xa xưa. Tài liệu khảo cổ học cho biết dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở - vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hóa Sơn Vi, có niên đại từ 2-3 vạn năm về trước.
Xứ Cùa là một phần của vùng Cam Lộ. Dưới thời nhà Nguyễn, theo Đồng Khánh dư địa chí, tổng Mai Lộc của Cam Lộ có thể gọi là tổng Cùa vì ôm trọn xứ Cùa và một vài địa phương khác với 21 xã, thôn, phường.
|
đăng 21:06 8 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Chỉ từ một lời thề nguyện mà gần ngàn năm nay, hai ngôi làng đặc biệt ở tỉnh Nam Định trai gái không nhau bao giờ lấy nhau. Giữa thời hiện đại, nhiều người hai làng vẫn giữ nếp cũ khiến bao người lấy làm lạ.
Đền Tức Mặc thờ Vương Thục Côn công chúa uy nghi - Ảnh: TÂM LÊ
Thế hệ sau như tôi và đời con cũng không nghĩ đến việc lấy vợ Tức Mặc, dù có thương quý cô nào cũng nào dám tỏ tình.
Ông Trần Khắc Định (trưởng thôn Thượng Lỗi)
Lễ hội nhắc nhớ câu thề
"Chị mà tới đây tháng 11 âm lịch năm ngoái thì lễ hội to lắm, cả ngàn người tham dự cơ mà. Lần này là chị xuống thăm em, cứ ba năm một lần, ba năm sau em lại lên thăm chị" - ông Trần Văn Hiếu, bí thư thôn Tức Mặc, nói với chúng tôi về lễ hội giao hảo tình "Chị em" giữa hai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi (phường Lộc Vượng, TP Nam Định).
Chính lễ hội được tổ chức linh đình, tôn nghiêm, định kỳ này đã nhắc nhớ ân tình nên trai gái hai làng khó có thể quên lời hẹn thề. Ông Hiếu cho biết điều đó đã tự nhiên ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ bao đời nay rồi. Hai làng coi nhau như chị em ruột thịt, đã là chị em thì không thể nào lấy nhau.
Chị em ở đây là bà Vương Thục Côn và Lý Triều Công Thần, cả hai đều là vị tướng tài có công giữ nước, được dân làng thờ phụng coi như thành hoàng làng. Cứ đến ngày lễ, hai làng phải chọn đủ 120 trai chưa vợ, gái chưa chồng. Những chàng trai, cô gái này tự sắm xiêm y cho thật lộng lẫy để rước kiệu. Gia đình có con được chọn thì tự hào.
Khi xưa, lễ rước ba ngày ba đêm. Nếu rước chị về bên em thì bên chị ngủ lại đình em và ngược lại. Nhưng ngày nay do điều kiện và thời gian nên dân làng chỉ gói gọn trong một ngày. Và ngày này dù bận cỡ nào, những người con của hai làng cũng thu xếp về dự lễ.
Cụ bà Trần Thị Gái, 79 tuổi, sống một mình trong căn nhà nhỏ ngay mặt đường xóm 6, thôn Tức Mặc vui vẻ kể những kỷ niệm khó quên: "Vui lắm! Năm nào lễ hội cũng đông nghịt người. Năm nay tôi bị đau chân, chỉ ra dự chứ không đi rước như những năm trước được. Bà Thục Côn công chúa này thiêng lắm, ai cũng bảo thế".
Nói chuyện trai gái hai làng không kết hôn, bà Gái nhớ năm xưa thanh niên hai làng đi đào đắp kênh mương cùng nhau. Trai Thượng Lỗi trêu ghẹo gái Tức Mặc bị bà trêu lại: "Đằng ấy còn phải gọi chúng tớ bằng chị đấy nhé!", bởi vì làng của bà thờ người chị, còn làng họ thờ người em. Thế là hai bên nhận "chị em" vui vẻ.
Nhưng chuyện không thể lấy nhau là có thật. Bà Gái kể: "Tục lệ từ xưa rồi, nếu ai phạm phải điều kỵ này sẽ gặp họa. Ngay ở xóm 6 nhiều đời trước có một đôi vợ chồng ở hai làng lấy nhau, sinh con ốm nheo nhóc. Một hôm người chồng bế con ra ngoài sân hứng nắng, có con chim chết rơi đúng chỗ ông ngồi. Điềm xấu linh ứng, một thời gian thì đứa con mất, rồi người mẹ đổ bệnh cũng mất, ông bỏ nhà đi biệt tích".
Tại đình Tức Mặc thờ Vương Thục Côn công chúa, cụ từ Trần Khắc Kê dẫn chúng tôi xem nơi thờ tự linh thiêng của nữ tướng. Chiếc kiệu võng cụ nói không nơi đâu có được, lễ rước kiệu vừa rồi rất long trọng.
Cụ Kê cũng kể về lời thề mà chính cô con gái của mình cũng vướng: "Khi nghe tin cả nhà lo lắm, sau hỏi mãi mới biết gia đình con rể tương lai quê ở tận Thanh Hóa, không phải dân gốc Thượng Lỗi nên đám cưới được tổ chức vui vẻ. Bây giờ đã sinh được hai cháu lớn cả rồi".
Trong quyển ngọc phả của hai thôn chỉ nói về lễ kết tình chị em, không có chỗ nào ghi cấm trai gái hai làng lấy nhau.
"Hai Làng Tức Mặc và Thượng Lỗi có quan hệ kết nghĩa giao hảo lưu truyền đến ngày nay. Nhân dân hai làng luôn thành kính công đức to lớn của các ngài là trung với nước, hiếu với dân, tình chị em vẹn toàn đạo nghĩa".
Theo cụ Kê, chính vì đạo nghĩa chị em nên người dân hai làng không muốn con cái mình kết hôn. Mối giao hẹn ngầm truyền từ đời này sang đời khác thành thói quen, không cần phải ai nhắc nhở ai nữa.
Một góc phố Thượng Lỗi ngày nay - Ảnh: TÂM LÊ Lời nguyền năm xưa và tên làngHai làng Tức Mặc và Thượng Lỗi nay đã lên phố. Thượng Lỗi có vẻ "phố" hơn với hàng quán mọc san sát, ồn ã, trong khi Tức Mặc vẫn còn giữ được nét bình yên với cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình.Đặc biệt có hồ Tức Mặc rộng bao quanh làng, liễu thả bóng thướt tha trong sương mờ huyền ảo. Phong cảnh hữu tình ấy níu chân người như đến miền đất Phật. Đền Trần cách ở ngay cạnh làng, Tức Mặc từng được mang danh "làng một họ" duy nhất chỉ có họ Trần.Cụ từ Trần Văn Kê lụi cụi lấy ra tặng chúng tôi cuốn Ngọc Phả hai thôn, cùng một số tài liệu kể về truyền tích "chị em". Mối kết giao ngàn năm, những điều chính sử và truyền miệng.Sử làng ghi chép dưới thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, người con gái thôn Thượng Lỗi tên Phạm Thị Côn vì nợ nước thù nhà đã gia nhập nghĩa quân của hai bà. Phạm Côn có tài thao lược, mạnh về thủy trận, đánh đâu thắng đó được Hai Bà Trưng phong tướng.Trong một trận đánh lớn, quân giặc được chi viện quá mạnh, Hai Bà Trưng chống trả quyết liệt rồi hi sinh ở sông Hát Giang (tỉnh Hưng Yên). Nữ tướng Phạm Côn cùng quân sĩ theo sông Hồng cầm cự về đến quê, sau khi đã bắn hết cung tên, phi ngọn giáo cuối cùng bà đã trầm mình ở bến Đò Chè quê nhà. Người dân tiếc thương bà đã lập miếu thờ trên triền đê thuộc thôn Thượng Lỗi, một ngôi miếu linh thiêng.Năm 1138, khoảng 1.000 năm sau vua Lý Anh Tông cử Luân Công Đại tướng công, người huyện Vụ Bản (Nam Định) đi đánh giặc. Vị tướng xuất quân qua đê Thượng Lỗi, gặp miếu thờ nữ tướng Phạm Côn. Nghe chuyện về vị tướng tài hiền, nghĩa khí ông đã lễ bái xin bà phù hộ cho trận đánh sắp tới.Quả nhiên linh ứng, Luân Công Đại tướng thắng trận giòn giã, ngày trở về đã ghé lại miếu để tạ ơn. Như có một mối giao cảm tâm linh với nữ tướng từ 1.000 năm trước, ông đã xin kết tình thân chị em với bà, đồng thời tâu với vua Lý phong sắc cho bà là Vương Thục Côn công chúa. Sau khi hoàn thành việc nước, ông về nghỉ tuổi già rồi vào vùng núi thuộc tỉnh Ninh Bình và an nghỉ tại đây.Nhớ ơn Luân Công đại tướng đã có công giữ nước, người dân Thượng Lỗi lập thêm một bát hương nữa để thờ phụng. Và đặt bát hương của ông cạnh bát hương bà Vương Thục Côn để chị em sớm tối hàn huyên. Về sau dân làng làm lễ đưa cả hai vào đình phong thành hoàng làng của thôn.Năm 1225 vào thời Trần, thôn Tức Mặc thành chốn phủ thiên trường nhưng không có thành hoàng làng. Thấy Thượng Lỗi gần cạnh lại thờ những hai vị nên đã thành tâm xin một vị để thờ. Người dân Thượng Lỗi cũng hào phóng nhường một vị cho Tức Mặc.Có chuyện vui nhận nhầm bát hương không ghi trong chính sử, đó là thôn Thượng Lỗi muốn nhường người em nên để bát hương chị phía sau bát hương em. Nhưng người dân Tức Mặc vì đi xin nên ý tứ chỉ bê bát hương sau chứ không bê bát trước. Thành ra thôn Tức Mặc có bát hương chị, còn Thượng Lỗi thờ bát hương em.Còn theo ông Trần Văn Hiếu, trưởng thôn Tức Mặc, việc thờ phụng nữ tướng là sắc phong vua ban chứ không nhầm lẫn. Nhưng hai thôn vẫn vui vẻ và kết giao hảo với nhau, hằng năm làm lễ đến thăm nhau rất long trọng.Cái tên làng cũng gây nhiều tranh luận. Người dân hai thôn cho rằng do người Tức Mặc đến thôn Thượng Lỗi xin bát hương chị mà không chịu nhận bát hương em. Trong khi Thượng Lỗi là quê hương của người chị mà cho đi là có lỗi. Còn người Tức Mặc biết người ta không thích cho bát chị nhưng vẫn mặc kệ.Những ông đồ nho am tường chữ Hán thì dịch Mặc là mực, Tức Mặc là nghiên bút. Đất này hiếu học, nhiều văn nhân kẻ sĩ, tao nhân mặc khách nức tiếng xa gần.Việc trai gái hai làng không lấy nhau cũng là quy định bất thành văn. Vì tình thân chị em nên người dân truyền tụng nhau qua các đời con cháu không nên lấy nhau, nếu phạm phải sẽ nhận kết cục không hay.TÂM LÊ |
đăng 20:46 8 thg 3, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Kể cả khi xã, huyện thống nhất 'giải oan' cho dân tình khỏi bị mang tiếng 'tham chơi' khi đặt lại địa danh thành Tham Trơi, thì người miệt sông nước này cũng hay bị hỏi: 'Bộ chơi bời dữ thần ông địa hả?'.
Chính quyền đã thống nhất địa danh Tham Trơi, nhưng nhiều người vẫn quen gọi Tham Chơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH Nghe qua là phải "nhíu mày"
Trên một bản tin giao dịch đất đai, chủ đất rao "Bán đất Thăm Chơi... ". Mẩu tin hầu như ít ai nghía mắt tới, bởi tất cả chỉ nghĩ nội dung rao bán này chắc là do bọn trẻ muốn đùa dai.
Tình trạng này buộc người bán phải đăng tiếp bản tin thứ hai, lần này rõ ràng hơn: "Bán đất tại ấp Thăm Chơi, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau".
Tận tường đến vậy, nhưng người bán đất cho biết trong số những cuộc gọi thì quá nửa là gọi hỏi... địa danh có thật không.
"Họ hiếu kỳ về địa danh hơn là quan tâm đến miếng đất mình bán" - người chủ đất chẳng đặng đừng kể lại khi tôi nói trước mình quan tâm đến địa danh hơn là mảnh đất ở miệt xa xôi hẻo lánh.
Từ trung tâm huyện lỵ Trần Văn Thời, ngược về hướng Cà Mau vài cây số, khách bộ hành sẽ gặp cây cầu có tên "Tham Trơi".
Mặc chữ nghĩa là vậy, nhưng dân bản xứ vẫn cứ hay gọi bằng giọng địa phương là "Tham Chơi", "Thăm Chơi"... Viết như nói, nhiều văn bản, thông tin mua bán vẫn thấy nhiều người dùng từ "Chơi" như một thói quen, thay vì "Trơi" vốn khó hiểu.
Hiếm có nơi nào chỉ riêng tên gọi địa danh mà người ta phải bàn đi tán lại nên gọi sao cho đúng. Bởi địa danh ở đây không còn đơn thuần là chỉ dẫn địa lý, mà nội dung của nó còn khiến người đời liên tưởng đến lối sống người trong xóm.
"Có thời gian đi đâu, mình nói là dân Tham Trơi, người ta lại hỏi "xứ anh người ta chơi bời dữ lắm sao" khi nghe ra Trơi thành Chơi" - ông Năm Thế (Tô Minh Thế) nói khổ nhất là đám thanh niên lớn lên đi tìm hiểu bạn gái, ghé nhà người ta nói mình xứ "Tham Chơi" là sẽ gặp ngay cái nhíu mày.
"Chắc ngày trước mấy ổng ăn chơi sao đó, rồi chết danh tới giờ" - ông Hai Việt (Lê Hồng Việt, 71 tuổi) nói những cụ già biết được gốc tích xứ này đã về với ông bà hết rồi. Giờ những người cỡ "lứa" như ông có lẽ không chứng kiến nhiều.
"Phải hơn tôi cả chục tuổi mới biết, còn không thì thua". Còn những gì ông biết thực tế là xứ này ít sở làm ăn, huê lợi cũng không có nhiều, nên người xứ đi tứ tán kiếm kế sinh cơ. "Có ăn chơi hay không thì phải hỏi người xưa. Chứ giờ làm tối mặt tối mũi còn không đủ sống, có đâu mà ăn chơi để mang tiếng oan" - ông Việt chia sẻ.
Tham Trơi là con rạch bắt nguồn từ sông Ông Đốc chạy vắt qua một vùng rộng lớn trước kia là rừng rậm, nhiều hoang thú. Một thế hệ tiền nhân đến đây khai phá, lập nên xóm làng. Rất ít có tài liệu nhắc đến vùng đất này.
Trong quyển Cà Mau xưa, đoạn nói về sông Ông Đốc, tác giả Nghê Văn Lương - Huỳnh Minh có nhắc đến xóm Thăm Trơi "ruộng đất phì nhiêu bao quanh".
Còn trong Từ điển địa danh Cà Mau, tác giả Nguyễn Văn Quynh mô tả Thăm Trơi là "địa danh thuộc xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, kênh này có chiều dài 9.244m bắt nguồn từ cống Thăm Trơi chảy ra đến kênh Kiểu Mẫu, có một đoạn rất thẳng nên được gọi là kênh Ngây.
Kênh này được thi công nạo vét vào năm 2000. Bên bờ kênh này, có một xóm dân cư đã hình thành từ thời kỳ đầu khai phá vùng đất Cà Mau, gọi là xóm Thăm Trơi, được ghi lại trong sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức".
Đình Thoại Ngọc Hầu ở xóm Tham Trơi - Ảnh: TIẾN TRÌNH "Giải oan" khỏi tiếng chơi bờiNhững tài liệu nhắc đến xóm Tham Trơi chỉ dừng lại ở việc mô tả, chứ chưa giải thích vì sao có phát tích của địa danh này.Ông Trần Lâm Đồng, nguyên chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, cho rằng chính vì có những điều chưa rõ ràng, nên một thời gian dài, địa danh của xóm "ai muốn gọi sao gọi, ai muốn viết sao viết".Ông Chín Kết, người cao niên có uy tín trong xóm, giải thích ông nghe "ông bà già xưa" nói sở dĩ có tên Tham Chơi vì ngày xưa có ông quan Bộ Tham hay đến vùng này chơi, nên gọi là Tham Chơi.Nhưng ông đi đây đó, thỉnh thoảng lại nghe người ta nhắc đến xứ mình với những địa danh lạ như là "Thăm Chơi", thậm chí "Ham Chơi". Ông hỏi từ đâu có những tên đó thì lại được chỉ "nghe mấy ông bà già xưa nói lại".Nhà sử học Hữu Thành, người có nhiều công trình địa chí ở vùng đất Cà Mau, khi được hỏi về Tham Trơi, đã giải thích rằng là vì ngày trước ở đầu vàm có một người tên Tham, ông này có đặc điểm là hay bày ra những trò mới cho người dân trong xóm tham gia chơi bời nên người ta lấy tên ông đặt cho con rạch trong xóm.Tuy nhiên, ông Trần Lâm Đồng lại có một giải thích khác. Ông nói, chính ông là người trong cuộc tìm hiểu địa danh để thống nhất tên gọi cho xứ này: "Ngày trước, người dân gọi, viết về địa danh này rất lộn xộn.Có khi thì Tham Chơi, có khi lại Thăm Chơi, rồi Thâm Chơi, thậm chí là Ham Chơi... Gọi chơi thì được, nhưng khi viết ra, nhất là trong các văn bản pháp luật phải viết cho đúng.Mà người dân làm giấy tờ đem đến xã, họ viết theo hiểu biết hay thói quen của mình, sai hay đúng thì mình phải có căn cứ để chấp thuận hay "bẻ" người ta, phải giải thích cho rõ dân mới chịu. Lúc tôi còn làm chủ tịch xã, đã cùng tuyên giáo huyện tìm hiểu địa danh này cho kỹ, cho thuyết phục để thống nhất tên gọi".Theo ông Trần Lâm Đồng, ban đầu ông cũng tìm hiểu sự tích có vị quan nào hay xuống vùng này chơi hay không. Nhưng những người lớn tuổi kể lại, ngày trước cũng có quan quyền xuống xứ này vài lần, nhưng họ chỉ đến khảo sát để thu tô, chứ xứ này có gì mà chơi bời.Một câu chuyện có vẻ thuyết phục hơn là vào thập niên 40 của thế kỷ trước, trong xóm bỗng xuất hiện vợ chồng một người tên Tham. Hỏi ông từ đâu đến thì ông chỉ nói là từ "vùng trên xuống". Vợ chồng ông là những người hiểu biết, bày cho dân trong xóm kỹ thuật trồng trọt, khai phá, làm ăn.Lúc này, vùng đất mới cũng có người của nhiều đảng phái đến vận động ảnh hưởng. Ông Tham rất có uy tín trong vùng. Đi đến đâu ông cũng vận động người dân ủng hộ Việt Minh. Những bậc cao niên nói rằng ông ấy sống tại xóm chừng 10 năm thì đi đâu biệt xứ, chẳng còn ai biết tung tích.Cũng thời điểm đó, ở cuối xóm có một người tên Trơi là người đạo đức, chí thú làm ăn. "Đầu rạch có ông Tham, cuối rạch có ông Trơi. Nên người ta hay gọi rạch ông Tham, ông Trơi.Sau này gọi luôn là rạch Tham Trơi" - ông Trần Lâm Đồng kể. Sau khi có cứ liệu này, ông đã trình lên HĐND huyện Trần Văn Thời thông qua để thống nhất tên gọi là ấp Tham Trơi. Vừa rõ ràng, vừa "giải oan" cho dân trong xóm khỏi mang tiếng chơi bời."Mình quy định vậy, nhưng thói quen người ta vẫn cứ gọi Trơi thành Chơi, mà chuyện đó thì sao cấm kỵ được" - ông Lâm Đồng chia sẻ.Mà cũng thiệt ngộ, ai về đất phương Nam, nghe giọng người Cà Mau rổn rảng nói Tham Trơi hay Tham Chơi cũng đều là... Chơi tuốt luốt.Ở giữa xóm, người ta thấy có ngôi đền thờ Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Hữu Cảnh, trầm mặc bên ngã ba sông. Nếu cái tên của xóm còn gây nhiều bàn tán, thì ở đoạn ngã ba này, người ta nói cái tên "Bến Mả" là phù hợp nhất. Bởi trước đây là bãi đất trống, dân tứ cố vô thân có lìa trần thì cứ mang đến đây chôn cất. Ông Năm Thế nói không biết có trùng hợp hay không, mà nhiều người đến mua mảnh đất này để cất nhà ở thì không bao lâu lại bỏ đi vì bị "quấy phá". Nhưng dù sao, đây cũng là một điểm "là lạ" khi xuôi rạch Tham Trơi.
|
|