Tiếng ai than khóc nỉ non Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông Công tôi gánh gánh gồng gồng Trở ra theo chồng bảy bị còn ba Không đi thì sợ cái nghèo Có đi thì sợ cái đèo Cù Mông Không đi thì nhắc thì trông Có đi thì sợ Cù Mông, Xuân Đài Cá ngon là cá Cù Mông Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương Đèo Cù Mông. Ảnh: Vũ Vũ, thethaovietnam.vn Cù Mông dưới thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) là vùng đất thuộc Hoa Anh ( Việt Sử xứ Đàng Trong – Phan Khoang). Từ năm 1471 đến năm 1578, vùng đất Cù Mông đến Đèo Cả là đất « Kimi » để cho tự do phát triển. Một sự cộng đồng lỏng lẻo Chiêm Việt tự hình thành. Mãi đến năm 1578, Lương Văn Chánh đưa lưu dân, là những người không sản nghiệp đến đất Cù Mông, Bà Đài ( Xuân Đài ngày nay) để khẩn hoang và được sự giúp đỡ nên vùng đất này phát triển dần dần. Nhưng Cù Mông cũng là vùng đất chịu nhiều gian khổ qua bao cuộc chiến tranh từ thời Tây Sơn, Nguyễn Ánh đến ngày thống nhất đất nước. Dưới chân núi Cù Mông, thời Tây Sơn có ông Võ Văn Cao, học giỏi thông thạo Kinh Dịch, tính người nghiêm nghị, cương trực, không ưa văn chương phù phiếm. Năm 1773 ( Quý Tỵ) đã cùng với Nguyễn Lữ ( em ruột Nguyễn Huệ) và Nguyễn Văn Lộc đi khắp Phú Yên vào đến Diên Khánh ( tỉnh Khánh Hòa) và Bình Thuận để theo dõi tình hình. Ông liên lạc với vua Thủy Xá (2) và vận động thân hào, nhân sĩ địa phương hưởng ứng cuộc Nam chinh của Tây Sơn. Đèo Cù Mông. Ảnh: Phạm Hoài Nhân Năm Kỷ Mùi ( 1799), Nguyễn Ánh đã cho sửa đường sá từ đỉnh Cù Mông trở vào. Về sau khi lên ngôi, năm 1802, Gia Long cho đặt các trạm Bình Phú để giao dịch trên đỉnh Cù Mông giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên. Cùng năm ấy, Gia Long cho xây miếu Biểu Trung ở hòn Nần trong đầm Cù Mông thuộc làng Vĩnh Cửu tổng Xuân Bình thờ Thiếu Quận Công Mai Đức Nghị và 526 tử sĩ trong cuộc chiến. Lúc đầu miếu có tên là ‘‘ Cù Mông Công Thần Miếu ’’, đến năm 1851 ( Tân Hợi) vua Tự Đức đổi tên là ‘‘ Miếu Biểu Trung’’. Trước thời Thành Thái cúng tế một năm hai lần vào dịp cúng xuân và thu. Từ thời Thành Thái đến năm 1933 chỉ tế một lần vào dịp xuân kỳ. Trong những năm khói lửa chiến tranh, vùng đất dưới chân đèo Cù Mông thuộc xã Xuân Lộc đã hy sinh hơn 300 người con cho quê hương thanh bình phát triển. Toàn xã hiện nay có một trường phổ thông trung học, bốn trường tiểu học, một phân viện y tế và khu văn hóa. Chợ Xuân Lộc được xây dựng từ năm 1962 đến nay được sửa chữa khang trang. Xuân Lộc đi lên với những khu rừng bạt ngàn xanh tốt, những cây thực phẩm chủ yếu trồng ở Diêm Trường với diện tích 25 ha (1998), với những vườn dừa, vườn đào lộn hột, những đàn bò và đồng cỏ ở Tây Chánh Lộc , Thạch Khê ... Đầm Cù Mông xây dựng làng tôm nuôi trồng thủy sản đến vài trăm hecta ở Long Thạnh. Cù Mông ngày nay không còn tiếng ai than khóc nỉ non và cảnh gánh gánh, gồng gồng nữa. Vùng đất có diện tích 8.489 ha, dân số 13.292 người ( 1999), có núi Chóp Vung cao 676m giáp ranh với Bình Định. Vùng này có mỏ cao lanh trữ lượng nhỏ, giá trị công nghiệp thấp và mỏ cát Diêm trường có khả năng đáp ứng cho nhu cầu xây dựng vì trữ lượng tương đối lớn. Xuân Lộc còn có sông Bà Bông dài 9,2km và Bà Nam chiều dài 9,4 km đổ ra biển với diện tích lưu vực chừng 28km2 có đập Long Thành và thác Thạch Khê cảnh quan đẹp có tiềm năng du lịch. Xuân Lộc còn có di chỉ khảo cổ Cồn Đình, thuộc thôn Diêm Trường mà Bảo tàng Phú Yên phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật năm 1997 trên diện tích 80m2 ở độ sâu 1,1m, phát hiện 168 hiện vật, có 51 hòn ghè bằng đá cuội tròn nhẵn, 25 hòn kê có vết lõm trên bề mặt dấu vết ghè đập... (1) Ông là người vùng Thanh Nghệ, sinh vào khoảng 1540 và mất năm 1611. Lăng miếu mộ ở làng Phụng Tường, xã Hòa Trị, Tuy Hòa được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. (2) Nước Thủy Xá ở phía Nam nước Chiêm Thành cũ ( Phương Đình dư địa chí) Bài: Nguyễn Đình Chúc Trích từ sách Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ, ca dao Phú Yên Ảnh: Phạm Hoài Nhân (tổng hợp) |
Địa lý - Địa danh (Thư viện) > Phú Yên >