Đồng Tháp và Đồng Tháp Mười Nói đến Đồng Tháp Mười, nhiều người (trong đó có tui) nghĩ ngay rằng đó là vùng đất thuộc tỉnh Đồng Tháp. Thiệt ra thì không phải vậy! Đồng Tháp Mười là tên gọi một vùng đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 697.000 ha, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường. Còn Đồng Tháp là tên tỉnh như chúng ta đều đã biết. Điều cần biết là tên này chỉ mới được chính quyền cách mạng đặt từ 1976 thôi, trước đây chỗ này thuộc hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc. Đồng Tháp quả là có liên quan đến Đồng Tháp Mười, vì một phần vùng đất này nằm trong địa phận Đồng Tháp, nhưng chỉ là phần nhỏ thôi, còn hơn phân nửa Đồng Tháp Mười thuộc về Long An kia mà. Thủ phủ của vùng Đồng Tháp Mười cũng thuộc về Long An đó thôi. Còn Tháp Mười là gì? Cho đến giờ vẫn chưa rõ sao lại có tên Tháp Mười. Trong dân gian có 4 giả thuyết như sau:
Nghe qua thì... chẳng cái nào đủ sức thuyết phục! Nhà văn Sơn Nam (trong Danh thắng miền Nam, NXB Đồng Tháp 1998, trang 80-82) nhận định rằng: Vấn đề này còn đang trong vòng tranh luận, chưa dứt khoát. Bảo rằng đây là cái tháp canh thứ 10, từ phía bờ sông Tiền đếm trở vào, ông Thiên Hộ Dương bố trí những chòi canh theo kiểu nhà nhỏ, khá cao, nhằm quan sát. Nếu thấy địch, người trên chòi canh làm hiệu lệnh, đánh mõ, hoặc phất cờ, đốt lửa lúc ban đêm để đề phòng. Bạn Giang Huỳnh đang đi kiếm cái tháp trong Đồng Tháp Mười Kỹ sư Hồ Đình Hải trích dẫn Lê Hương (không rõ nguồn) như sau: Lê Hương, trong một bài viết, cho rằng: Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá, do vua Jayavarman VII (1181 - 1218) xây cất trên khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvara là vị thần có chức năng trị bệnh cho nhân loại. Những ngôi tháp này được xây dọc theo những con đường lớn trong nước mà ngôi tháp trong đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ 10. Thời gian đã tàn phá công trình kiến trúc này, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn lại một tượng sư tử và một linh phù (linga) bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (Sanskrit) ghi tên tháp thứ mười. Năm 1932, nhà khảo cổ học người Pháp, Parmentier, vào Tháp Mười phát hiện ra ngôi tháp đổ nát và đã đọc những dòng chữ Phạn ghi tên ngôi tháp thứ mười. Không biết chắc thuyết nào là đúng, chỉ biết dân ta gọi tên Tháp Mười từ xưa lắc xưa lơ, và vì vùng đất này là một đồng trũng nước nên gọi nó là đồng Tháp Mười, trong đó đồng là danh từ chung. Lâu ngày, chữ đồng gắn liền với Tháp Mười thành Đồng Tháp Mười tạo thành một danh từ riêng luôn. Thôi kệ, Tháp Mười xuất phát từ đâu cũng được héng bạn! Nguyễn Hiến Lê với Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười Có lẽ cuốn sách viết về Đồng Tháp Mười được nhiều người biết đến nhất là Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Sự ra đời của cuốn sách này khá éo le. Trong hồi ký của mình, cụ Nguyễn kể: “(…) bác Ba tôi từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỷ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinhlý nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp. Cuốn sách được viết lại và do chính cụ Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1954, được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả. Đây được xem là cuốn sách du khảo về đất nước Việt Nam đầu tiên. 65 năm sau ngày tác phẩm ra đời, đọc lại mà tui tự thấy xấu hổ cho chính mình quá trời luôn. Bây giờ, đầy đủ phương tiện tra cứu, đi lại, lại thêm kinh nghiệm của người đi trước quá nhiều về thể loại này, vậy mà tui dám chắc mình không tài nào viết hay được dù chỉ bằng một góc của cụ Nguyễn Hiến Lê. Để lâu sợ quên những điều mình cảm nhận, nên tui đành mạo muội viết chút đỉnh về Đồng Tháp Mười, đặt tựa là 1/7 ngày trong Đồng Tháp Mười (1/7 ngày tức là... hơn 3 tiếng đồng hồ á!), nhưng không phải bây giờ, mà là từ từ đã... Dài quá rồi, đọc chán. Phạm Hoài Nhân |
Địa lý - Địa danh (Thư viện) > * Tổng hợp >