Có gì mới mới, lạ lạ?
Nhà cổ ông Kiệt – Ngôi nhà cổ độc đáo ở Tiền Giang
Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lâu nay vốn nổi tiếng bởi có hàng chục căn nhà cổ trên trăm năm tuổi với lối kiến trúc độc đáo. Trong số này, căn nhà cổ của gia đình ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa là đẹp nhất được mệnh danh là “Cửu đại mỹ gia” của Việt Nam. Ngôi nhà cổ ông Kiệt tọa lạc ở số 22 tổ 1, ấp Phú Hoà ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp nằm ẩn mình giữa một vườn cây ăn trái xanh mát. Từ chợ nổi Cái Bè, mất khoảng 25 phút đi ghe, đến bờ kênh du khách đi bộ một quãng đường khoảng 1 cây số trước khi đến được căn nhà. Nếu nhìn từ ngoài, nhà ông Kiệt cũng như bao căn nhà khác nằm trong một khu vườn mênh mông. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng đặt bàn đá, ghế, võng đong đưa dưới bóng cây. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000m2, với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ. Mái nhà lợp ngói âm dương, một hàng sấp, một hàng ngửa xen kẽ. Kèo cột được thiết kế kiểu chồng rường đặc trưng. Phần liễn song hồng phíc trước nhà được làm bằng gỗ căm se hình vuông xếp so le để lấy ánh sáng, khí trời và người trong nhà dễ quan sát người bên ngoài. Các liễn đối bên trong và tranh treo tường đều được khảm xà cừ lộng lẫy. Nối liền các trụ chính của căn nhà là hệ thống bao lam được chạm lộng Mai, Lan, Cúc, Trúc cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, được thếp vàng, thể hiện trình độ và tài nghệ thưởng thức nghệ thuật của người xưa. Những vật dụng trong nhà cũng đều là những món đồ cổ quý giá. Cây đèn dầu, bộ ấm chén, chùm đèn treo, tủ chén, sập gụ… gợi lại những ký ức xưa cũ của một miền đất Nam bộ cách đây 200 năm. Bàn và sập cũng đều là gỗ quý nguyên tấm, đen bóng màu thời gian. Các bộ ghế cũng được làm kì công, họa tiết tinh xảo mà đường nét khoáng đạt, hài hòa. Nền nhà lại xếp gạch tấm vuông được nung thô, hợp với tường gỗ, mái ngói. Cổng nhà từ thời xưa cũng được gia chủ giữ lại, tô điểm cho khu vườn thêm ấn tượng. Năm 2002, tổ chức JICA Nhật Bản sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong những căn nhà đẹp nhất Việt Nam, nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng, nên quyết định đầu tư cho trùng tu, đồng thời nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng. Năm 2004, sau hơn 1 năm làm việc cật lực, ngôi nhà hoàn thành và trở thành 1 trong những địa điểm du lịch Tiền Giang thu hút đông đảo du khách. Nơi đây còn là điểm du lịch homestay cho phép du khách nghỉ ngơi, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của một trong những gia đình giàu có nức tiếng tại Nam bộ ngày xưa. Vị chủ nhà, mọi người thường gọi thân mật là cô Kiệt, theo tên của chồng, là một người phụ nữ thật thà giản dị hiếu khách đậm chất miền Tây. Cô nồng hậu chào đón khách đến thăm nhà, chỉ cho khách từng đặc điểm độc đáo trên gian nhà chính, rồi cô lại tất tả ra nhà sau đứng bếp tự tay nấu cơm đãi khách như là một cách thể hiện tấm thịnh tình của gia chủ. Mekong Delta Explorer |
Dấu ấn Việt Nam qua "Nét cũ dấu xưa"
Hơn 130 cổ vật mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa Việt Nam được giới thiệu đến công chúng trong triển lãm chuyên đề "Nét cũ dấu xưa" do Hội Cổ vật Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Đây là hoạt động đánh dấu mốc kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Cổ vật Tp. Hồ Chí Minh. Phần lớn những hiện vật trong “Nét cũ dấu xưa” thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau, gồm: vũ khí, đồ dùng uống trà, ấn chương (con dấu), pháp lam (đồng tráng men), gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu.... Tại triển lãm, ngoài các hiện vật có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam, còn có sự đóng góp của các đồ vật do Trung Quốc và Nhật Bản chế tác. Hiện vật trưng bày tại triển lãm có rất nhiều loại vũ khí cổ đa dạng về loại hình, kiểu dáng, chất liệu, trong đó đáng chú ý là chiếc qua (thông dụng trong chiến tranh thời cổ với các công dụng lợi hại: đâm, móc, bổ, chém, quét, lia) và kris (một loại đoản kiếm hộ thân, ngoài làm khí giới còn mang ý nghĩa tâm linh mang lại sự may mắn, sức mạnh và quyền lực). Ngoài ra, nhóm cổ vật kim khí còn có bộ sưu tập mũi giáo, qua đồng có niên đại từ 2000 năm đến 2500 năm, được xác định thuộc văn hóa Đồng Nai là những hiện vật quý hiếm chứa đựng thông tin khảo cổ rất giá trị. Đông đảo du khách đến tham quan triển lãm trong chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Du khách thích thú chụp ảnh một số hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Một góc triển lãm chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” tại bảo tàng Lịch sử TP.HCM (số 02 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM). Bên cạnh đó, bộ sưu tập các ấn chương (con dấu) từ thế kỷ 14 – 19 được giới thiệu tại triển lãm là những đồ vật đặc biệt, được xem là một phát minh của con người nhằm xác định tính trung thực, tính quyền lực, tính sở hữu và niên đại của những văn bản. Các vật dụng làm từ chất liệu gốm được trưng bày khá nhiều tại triển lãm, gồm có: liễn, bát, chậu gốm hoa nâu (thế kỷ 13 - 14), nổi bật là dòng gốm men xanh trắng của Việt Nam niên đại thế kỷ 15 có hai chiếc bình, ấm Tỳ bà và chiếc ấm hình con voi..., đều là những món cổ vật lạ. Các loại kendy (loại bình có dáng bầu tròn, cổ thẳng, cao, ở phần vòi có hình dạng bầu vú) được sản xuất nhiều ở thế kỷ 15. Đặt ở vị trí trung tâm trong không gian triển lãm của chuyên đề “Nét cũ dấu xưa” là bộ sưu tập gốm Cây Mai với các sản phẩm gốm thờ cúng và gốm trang trí. Gốm Lái Thiêu của Việt Nam được đặt cạnh gốm men xanh trắng Trung Quốc như một sự so sánh về kỹ thuật chế tác và nét hoa văn đặc trưng trong các dòng gốm. Các đồ vật này được dùng khi thưởng thức rượu, trà, ăn trầu và sinh hoạt thường nhật của người Việt xưa, gắn liền với những nét đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, tạo ra sự đặc sắc của văn hóa phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Bộ tượng Phúc – Lộc – Thọ chất liệu gốm men xanh trắng thế kỷ 19, xuất xứ Việt Nam của nhà sưu tập Nguyễn Đông Nhựt. Qua – một vũ khí bằng đồng khá độc đáo có cấu tạo hình dáng đặc biệt, có thể đâm, bổ móc, chém, quét, lia. Bộ sưu tập các mũi giáo, loại vũ khí bằng kim loại được giới thiệu tại triển lãm. Bộ đồ rượu gốm men xuất xứ Việt Nam thuộc giai đoạn thế kỷ 1 – 3. Kendy – gốm men xanh trắng xuất xứ Việt Nam có niên đại vào thế kỷ 15. Bộ sưu tập ấn chương (con dấu) từ thế kỷ 14 - 19 là một phát minh của con người nhằm xác định tính trung thực, tính quyền lực, tính sở hữu và niên đại của những văn bản. Pho tượng Di Đà tam tôn có xuất xứ từ Nhật Bản làm bằng gỗ (thế kỷ 19) vô cùng độc đáo. Nhiều hiện vật có hình dáng và chất liệu độc đáo được các nhà sưu tập giới thiệu trong dịp triển lãm lần này. Bình vôi tráng men xanh, xuất xứ Việt Nam. Chậu đồng tráng men Việt Nam niên đại thế kỷ 19. Đĩa pháp lam xuất xứ Việt Nam thuộc thế kỷ 19. Ly tách pháp lam Việt Nam thuộc thế kỷ 19 có cách thiết kế đẹp và sang trọng. Bộ đĩa gốm men xanh trắng của Việt Nam có niên đại vào thế kỷ 15. Chiếc lư đồng cách điệu hình quả lựu (bên trái) hay lư đồng có hình song long (phải) có niên đại đầu thế kỷ 20 được liệt vào hàng độc, lạ mắt. Khu vực trưng bày các loại chum, chóe Việt Nam làm bằng gốm men xanh trắng thuộc thế kỷ 15. Chậu có nắp làm từ gốm Hoa Nâu có từ thế kỷ 13 – 14, xuất xứ Việt Nam. Bộ sưu tập đĩa pháp lam của Việt Nam thế kỷ 19. Bộ sưu tập gốm sứ vật dụng trong nhà (ấm, chén, bình, ly tách…) như một thú chơi tao nhã của người xưa dùng khi uống rượu, trà, ăn trầu... Bộ sưu tập các bình gốm Lái Thiêu với đặc trưng nước men bóng và màu sắc đa dạng. Bài và ảnh: Sơn Nghĩa |
Phong cảnh Việt Nam lên báo Anh, được ca ngợi đẹp đến “nín thở”
Ngày 15/2, tờ Daily Mail của Anh đã đăng loạt ảnh về đất nước và con người Việt Nam, với mô tả Việt Nam mang vẻ đẹp “nín thở”. "Những dòng kênh, những thung lũng quyến rũ, những bãi biển hoàn hảo: Những bức ảnh đẹp đến nín thở đã để hiện vẻ đẹp ấn tượng của phong cảnh Việt Nam". Dòng giới thiệu trên bức ảnh chụp cảnh bình minh rực rỡ tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam
Bức ảnh chụp tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao bằng, đi kèm với dòng mô tả: "Đây là lý do tại sao 15 triệu du khách tới Việt Nam năm ngoái. Những bức ảnh cho thấy vẻ đẹp thiên nhiên gây choáng ngợp của Việt Nam..."
Khung cảnh xã Tú Lệ - một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Yên Bái, phía Bắc Việt Nam. Rất nhiều khách du lịch tới đây để ngắm nhìn những cánh đồng lúa bát ngát, nhất là vào thời điểm tháng 9 và tháng 10 hàng năm, khi các cánh đồng lúa ngả màu chín vàng
Cánh đồng lúa ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Đồng bằng Sông Cửu Long trông như một "tấm chăn lớn được tạo thành từ nhiều mảnh ghép". Đồng bằng Sông Cửu Long được biết là "vựa lúa" của Việt Nam
Hình ảnh bà con dân tộc địu cả trẻ em lên nương tại Mù Cang Chải, Yên Bái
Làng cá trên Vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng
Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Vịnh Hạ Long có khoảng 1.600 hòn đảo nhỏ và đảo đá vôi. Đây là một trong những vịnh đẹp nhất trên thế giới.
Bức ảnh chụp Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Thừa Thiên-Huế. Thiền viện được xây dựng năm 2006.
Chùa Trấn Quốc - một trong những ngôi chùa cổ nhất tại thủ đô Hà Nội.
Suối Yến, trong quần thể thắng cảnh Chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
Tuyến đường sắt chạy qua một phần đường bờ biển dài hơn 3.000 km của Việt Nam
Thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng, đẹp như tiên cảnh
Thác Bạc tại Sa Pa, Lào Cai.
Lối vào hang Sơn Đoòng, hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng là "trái tim" của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở miền Trung Việt Nam. Hang Sơn Đoòng đón du khách từ năm 2013.
Hang Múa ở Ninh Bình. Du khách sẽ mất khoảng 30 phút để leo hết 500 bậc thang lên đỉnh núi và họ sẽ không phải hối tiếc vì điều này
Khung cảnh đẹp như tranh vẽ của những thửa ruộng bậc thang khổng lồ tại Chế Cu Nha, Mù Cang Chải
Mặt trời lặn trên cồn cát trắng ở Mũi Né, Phan Thiết
Bãi biển tuyệt đẹp của đảo Phú Quốc
Những ngôi nhà nhỏ lưng tựa núi và nằm sát mép nước tại tỉnh Ninh Bình
Thuyền là phương tiện di chuyển quen thuộc tại vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long
Cầu Vàng - Địa điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng. Đây là địa điểm chụp ảnh selfie ưa thích của các du khách
Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh
Bức ảnh đầy mê hoặc chụp chợ Cẩm Phả, Quảng Ninh từ trên không
Nhịp sống tại thủ đô Hà Nội
Cảnh đẹp tuyệt vời của thành phố Hồ Chí Minh chụp từ flycam
Cầu Rồng - Một biểu tượng du lịch của Đà Nẵng.
Thành phố Hồ Chí Minh nhộn nhịp vào ban đêm. Bức ảnh được nhiếp ảnh gia đặt tên là "Sự hỗn loạn có tổ chức". Thành phố Hồ Chí Minh là nơi được du khách ghé thăm nhiều nhất khi đến Việt Nam
Đường phố Hà Nội
Tuyến cáp treo vượt biển nối Nha Trang với đảo Hòn Tre. Các cột trụ gây ấn tượng với cấu trúc và trông như phiên bản tháp Eiffel trên biển |
Khánh thành bảo tượng Quan âm tại Biển Hồ, Pleiku,Gia Lai
Biển Hồ như một viên ngọc bích được thiên nhiên ban tặng giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là “đôi mắt” của phố núi Pleiku. Sự hiện diện của bảo tượng Quan Âm hướng về thành phố đã tạo nên một niềm tin vững chắc như mẹ hiền luôn hướng về con trong vòng tay trìu mến và che chở. Biển Hồ trên phố núi Pleiku đã tạo nên một thắng cảnh đặc biệt và nguồn tâm linh màu nhiệm, hứa hẹn là một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách mọi nơi về chiêm bái. Ông Dương văn Trang - Uỷ viên Trung Ương Đảng - Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai, Ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Ông Hồ Văn Điềm - Chủ tịch Uỷ ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai và Hoà Thượng Thích Giác Toàn - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, HT Thích Từ Hương - thành viên HĐCM GHPGVN CM BTSPG Gia Lai, HT Thích Trí Thạnh - thành viên HĐCM GHPGVN CM BTSPG Gia Lai... và các đại biểu đã cắt băng khánh thành. Chào mừng Festival Cồng chiêng Quốc tế tổ chức tại Gia Lai năm 2018 nhằm tôn vinh giá trị của “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”. Sự kiện trọng đại phát triển du lịch Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Ngày 30 tháng 11 năm 2018, tại Biển Hồ đã diễn ra lễ khánh thành công trình phục dựng Bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, với sự tham gia của các cấp chính quyền, Giáo hội Phật Giáo tỉnh Gia Lai, công ty Quang Đức Gia Lai và Phật Tử khắp nơi về dự . Gia Lai là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nền văn hoá cổ xưa, mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu sổ. Nói đến Gia Lai là nói đến Biển Hồ bên phố núi thơ mộng, một thắng cảnh có một không hai trên cao nguyên. Biển Hồ như một viên ngọc bích được thiên nhiên ban tặng giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên, là “đôi mắt “ của phố núi Pleiku. Sự hiện diện của bảo tượng Quan Âm hướng về thành phố đã tạo nên một niềm tin vững chắc như mẹ hiền luôn hướng về con trong vòng tay trìu mến và che chở. Biển Hồ trên phố núi Pleiku đã tạo nên một thắng cảnh đặc biệt và nguồn tâm linh màu nhiệm, hứa hẹn là một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách mọi nơi về chiêm bái. Huỳnh Văn Truyền – Bích Thuỷ |
Vũ hội cồng chiêng sôi động trên phố núi Pleiku
Vừa qua, tại các tuyến đường chính của thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã diễn ra Lễ hội đường phố - một trong những hoạt động chính của Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018. Tham gia Lễ hội đường phố có hơn 1.000 nghệ nhân đến từ 26 đoàn của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai. Lễ hội được bắt đầu từ Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai đi qua các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lai,… rồi về Quảng trường Đại đoàn kết (thành phố Pleiku). Các nghệ nhân với trang phục truyền thống tham gia Lễ hội đường phố tại Pleiku. Các nghệ nhân cồng chiêng nhí người Bahnar, huyện K’Bang, Gia Lai. Đội chiêng nữ người Mường ở Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) trình diễn trong Lễ hội đường phố Pleiku. Tham dự lễ hội đường phố là đại diện các dân tộc Ê Đê, Mnông, Bahnar, Chu Ru, J'rai... với những bộ trang phục truyền thống uyển chuyển trong nhịp xoang, điệu cồng. Đoàn nghệ nhân cồng chiêng của huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai trình diễn trên đường phố Pleiku. Những nghệ nhân cồng chiêng nhí với phục trang hết sức độc đáo. Đoàn nghệ nhân người Chu Ru, tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Lễ hội đường phố. Nghệ nhân múa cồng chiêng hoá thân thành những chiến binh dũng mãnh. Những nghệ nhân trẻ trong trang phục người đồng bào Tây Nguyên xinh xắn. Điểm độc đáo ở trong các lễ hội ở các buôn làng Tây Nguyên thường có những bộ trang phục được làm bằng rễ, lá cây, những chiếc mặt nạ bằng gỗ, bằng những vật dụng thông thường. Những nghệ nhân tuy còn rất trẻ tuổi nhưng đã điều khiển dàn cồng chiêng hết sức điêu luyện. Những người đàn ông đóng khố với những điệu múa cùng theo tiếng cồng chiêng khiến cho nhiều du khách thích thú. Ở các buôn làng ở Tây Nguyên, tiếng cồng, tiếng chiêng như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi ngày hội. Phụ nữ mềm dẻo với những cái xoay, đàn ông mạnh mẽ với những bước nhảy, những cái vung tay như đang chiến đấu với những mãnh thú… Sự xuất hiện của các nghệ nhân trên đường phố Pleiku đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân địa phương và du khách đến tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018. Họa tiết vô cùng bắt mắt trên trang phục, trang sức và các dụng cụ trình diễn đặc trưng cho từng dân tộc ở Tây Nguyên. Đoàn nghệ nhân người M’Nông ở tỉnh Đăk Nông biểu diễn trong lễ hội đường phố. Những nghệ nhân cồng chiêng nhí khuấy động đường phố Pleiku. Thực hiện: Thanh Hòa – Công Đạt |
Đặt 76 tượng điêu khắc trên tuyến đường đẹp nhất Châu Đốc
102 tượng điêu khắc của các họa sĩ trong và ngoài nước tại Núi Sam được di dời và bố trí tại 3 địa điểm, trong đó có đường Tân Lộ Kiều Lương - tuyến đường đẹp nhất thành phố Châu Đốc để phục vụ du lịch. Lãnh đạo TP Châu Đốc cho rằng, việc lắp đặt tượng sẽ làm thay đổi diện mạo TP theo hướng đẹp hơn để phục vụ khách du lịch - Ảnh: BỬU ĐẤU Theo anh Trần Đức Trí, cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý dự án TP Châu Đốc ( An Giang), 102 tượng ở 2 vườn tượng của P.Núi Sam, TP Châu Đốc, An Giang đang được thực hiện di dời để lắp đặt nơi khác từ ngày 22-11. UBND TP Châu Đốc bố trí các tượng điêu khắc này ở 3 địa điểm: Công viên Khóm 8 (trước cửa chùa Huỳnh Đạo); trong khuôn viên UBND TP Châu Đốc và dọc hai bên đường Tân Lộ Kiều Lương - đường lớn và đẹp nhất của TP Châu Đốc. Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc cho biết: “Việc di dời các tượng này tới tuyến đường vừa giúp thành phố thêm đẹp, vừa giúp Châu Đốc có được mặt bằng từ 2 vườn tượng trên để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trong quần thể Khu du lịch Quốc gia thời gian tới”. Di chuyển các tượng bằng Kobe từ trên xe xuống con lươn - Ảnh: BỬU ĐẤU Nhóm công nhân chỉnh sửa lại tác phẩm "Nhạc Trăng" sau khi máy Kobe đưa tác phẩm xuống con lươn - Ảnh: BỬU ĐẤU Do các tác phẩm điêu khắc được làm từ đá nguyên khối, việc di dời còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: BỬU ĐẤU Đường Tân Lộ Kiều Lương có 4 làn đường, được xem là đường rộng và đẹp nhất tỉnh An Giang. Hai con lươn giữa đường này sẽ có 76 tượng điêu khắc, khoảng cách các tượng từ 50 - 60m. Do các tượng được làm từ đá nguyên khối nên đơn vị thi công phải dùng xe Kobe để di dời và lắp đặt tượng trên 2 con lươn. Thời gian di dời và lắp đặt hết các tượng này được thực hiện từ 22 - 11 đến hết tháng 12, với tổng kinh phí dự kiến trên 250 triệu đồng. Người dân và chính quyền cho rằng, việc đặt tượng để đặt trên đường sẽ làm thành phố đẹp hơn - Ảnh: BỬU ĐẤU Đường Tân Lộ Kiều Lương có 4 làn xe, được xem là đường lớn và đẹp nhất thành phố này - Ảnh: BỬU ĐẤU Nhóm công nhân chỉnh sửa vị trí đặt tác phẩm "Nối Kết" - Ảnh: BỬU ĐẤU BỬU ĐẤU |
Lễ hội Hoa dã quỳ khai mạc trên núi lửa Chư Đăng Ya
Tháng 11, cùng với cái nắng cái gió ở Tây Nguyên, dã quỳ bắt đầu vẽ lên muôn bức tranh vàng ẩn hiện trên khắp các sườn đồi… Đó cũng là lúc lễ hội Hoa dã quỳ diễn ra ở núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Tháng 11 là tháng đẹp nhất ở các tỉnh miền núi Tây Nguyên. Đây cũng là mùa dã quỳ rực vàng trên các triền đồi. Trong ảnh: dã quỳ nở trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya - Ảnh: DOÃN VINH Hoa dã quỳ, loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên đang trong những ngày khoe sắc thắm. Trong đó, núi lửa Chư Đăng Ya được mệnh danh là thiên đường của hoa dã quỳ. Tiếp nối thành công của Lễ hội Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017, lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 10 đến 13-11. Đây cũng là thời điểm tuyệt đẹp khi loài hoa báo đông nở rực vàng, sáng cả ngọn núi lửa đã ngủ yên. Theo ban tổ chức, ngoài ngắm hoa dã quỳ trên núi lửa Chư Đăng Ya, du khách tới đây còn được thưởng thức cồng chiêng cùng với những điệu múa truyền thống của cư dân bản địa sinh sống dưới chân núi. Núi lửa Chư Đăng Ya cách thành phố Pleiku (Gia Lai) chừng 30km về hướng bắc (thuộc làng Plơi Iagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) mùa này đang chuyển từ màu xanh sang sắc vàng của dã quỳ - Ảnh: DOÃN VINH Đây cũng là cơ hội để dân làng thể hiện tài năng đan lát, dệt vải, tạc tượng... Người dân làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya) còn làm các món ẩm thực đặc sản như cơm lam ống nứa, gà nướng. Du khách còn có cơ hội thưởng thức rượu ghè được ủ từ mùa đông năm ngoái… Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn đến mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở trên sườn núi - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Dã quỳ tạo nên những bờ rào hoa trên những sườn đồi - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Dã quỳ vàng rực trong nắng đầu Đông - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Du khách hào hứng với những rặng dã quỳ khoe sắc đầu mùa - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Du khách thích thú khi dùng những bông dã quỳ kết trên vành mũ - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Nơi diễn ra lễ hội hoa dã quỳ dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya Trình diễn dệt thổ cẩm tại lễ hội - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG Trình diễn đan gùi và các vật dụng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG HUỲNH CÔNG ĐÔNG |
Góc nhìn Sài Gòn từ đỉnh tòa nhà cao nhất Việt Nam
Đứng trên tầng 81 của cao ốc, bạn sẽ dễ dàng quan sát từ khu trung tâm đến các vùng cửa ngõ của Sài Gòn. Dự án Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP HCM) cao hơn 460m, gồm 81 tầng, nằm ngay bên bờ sông Sài Gòn, là tòa nhà cao nhất Việt Nam và trong top 20 thế giới. Sau gần 4 năm xây dựng, công trình đã hoàn thiện gần hết các hạng mục. Ngày 26/7, khu trung tâm thương mại của cao ốc đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn người dân đến tham quan, mua sắm. Theo thiết kế, tòa nhà là tổ hợp nhiều hạng mục như khách sạn, căn hộ dịch vụ, căn hộ thương mại Officetel, mua sắm và các nhà hàng, bar, tầng quan sát... Từ tầng 79 đến 81 sẽ là đài quan sát, được thiết kế với những bức tường bằng kính cao hơn 2m bao quanh. Khu vực này đã gần hoàn thiện, từ đây có thể thấy toàn cảnh thành phố, ở vị trí dễ nhìn là khu trung tâm quận 1 với những cao ốc ven sông Sài Gòn. Từ đài quan sát có thể nhìn bao quát bán đảo Thủ Thiêm (quận 2). Dự án khu đô thị Thủ Thiêm đang được xây dựng với những trục đường chính, khu dân cư, tòa nhà... Phía xa là khu vực quận 7, huyện Nhà Bè. Sông Sài Gòn uốn lượn qua các quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh... nhìn từ bên trong tầng 81. Cầu Sài Gòn, xa lộ Hà Nội, khu Thảo Điền và cửa ngõ phía Đông thành phố, ở phía xa là bán đảo Thanh Đa. Khu vực quận Bình Thạnh, Thủ Đức với trục đường Điện Biên Phủ, phía xa là quận Gò Vấp. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, một người công nhân dùng điện thoại ghi lại hình ảnh của Sài Gòn nhìn từ độ cao hơn 400m. Các hạng mục ở trên cao đang được hoàn thiện, chưa mở cửa đón khách. Khi khu thương mại của tòa nhà Landmark 81 được vận hành, mỗi ngày đều có nhiều người đến tham quan, chụp ảnh lại công trình này. Nhiều bạn trẻ tỏ ra hào hứng, thoải mái sáng tạo đủ kiểu ảnh với tòa nhà cao nhất Việt Nam. Góc "sống ảo" với Landmark 81 rất đa dạng bởi đứng ở vị trí nào cũng có thể nhìn thấy tòa tháp. Các công trình ở công viên, khu chung cư... quanh tòa nhà cũng thu hút người dân tham quan. Nổi bật là mái vòm cầu đi bộ ở khu tầng trệt với thiết kế độc đáo là nơi các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo các kiểu ảnh của riêng mình. "Mình thấy tòa cao ốc và khu xung quanh có thiết kế trẻ trung, hiện đại, dễ chụp được nhiều kiểu ảnh độc đáo. Đây sẽ là điểm vui chơi thú vị của giới trẻ, chắc chắn mình sẽ dẫn bạn bè ở nơi khác vô đây tham quan", Hồng Mai (22 tuổi, quận Thủ Đức) chia sẻ. Bên trong tòa nhà là trung tâm thương mại rộng hơn 50.000 m2, được bố trí trong 6 tầng từ B1 tới tầng 5, đông khách từ ngày khai trương. Đến chiều tối, tòa nhà Landmark 81 bắt đầu lên đèn, thay đổi màu sắc liên tục. Tòa nhà có tổng diện tích sàn xây dựng 141.000 m2. Công trình có hơn 2.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia làm việc ba ca liên tục. Hiện các công nhân hoàn thiện các hạng mục còn lại để kịp vận hành đầu năm 2019. Quỳnh Trần |
Thác Bản Giốc chìm sâu trong biển nước lũ
Toàn bộ cụm thác Bản Giốc, Cao Bằng bị bao phủ bởi biển nước đục ngàu, khung cảnh hoang tàn khiến nhiều người không khỏi sửng sốt. Sau trận mưa lớn đầu mùa, một số điểm ở Cao Bằng bị ngập nặng. Thác Bản Giốc là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất. Theo người dân sống gần đây, mưa bắt đầu từ vài ngày trước. Đến 11/5 thì mưa to kéo dài, nước từ đầu nguồn liên tục đổ về khiến thác Bản Giốc chìm sâu trong nước lũ. Theo anh Hồ Tấn Hoà (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh) toàn bộ thuyền bè phục vụ khách du lịch đều được di dời đến nơi an toàn trước khi lũ đổ về. Tuy nhiên một số vườn hoa màu của người dân ở chân thác vẫn chưa kịp thu hoạch. Trái với hình ảnh trong xanh của thác nước đẹp nhất biên giới Việt Nam, Bản Giốc mùa lũ trở nên đục ngầu. “Mùa lũ, thác ầm ầm nước đổ ngày đêm, sống ở đây lâu thì không lạ gì. Năm nay mùa lũ về sớm, lưu lượng nước có vẻ cũng cao hơn mọi năm", người dân xã Đàm Thuỷ cho biết. Đường vào thác Bản Giốc chìm trong biển nước khiến nhiều du khách không khỏi bất ngờ. “Mới tháng trước mình đến đây thác còn rất đẹp, hùng vĩ nhưng rất yên bình, thuyền chở khách ra vào tấp nập chứ nước không to và đục ngàu như thế kia", tài khoản Mai Anh bình luận. Thiên An - Ảnh: Vũ Mai Hường |
Những hang đá 'chuyển động' ở Biên Hòa
Đức Mẹ thêu áo, thánh Giuse bào gỗ, ông già Noel đi phát quà bằng trực thăng, đàn tuần lộc bay trên trời… là những hình ảnh sống động tại một giáo xứ ở Biên Hòa. Những ngày cận kề Giáng sinh, cả giáo xứ Tân Mai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tấp nập người dân từ các nơi khác đổ về chiêm ngưỡng những hang đá sống động do giáo xứ và giáo dân dựng nên. Hang đá lớn nhất nằm ngay khuôn viên phía trước nhà thờ. Phía bên trái là hang đá chính, phía xa là đoàn 3 vua đi bằng lạc đà đến cung tiến Chúa Giêsu, rồi gần hang đá là người chăn chiên đang lùa những con chiên. Không khí Giáng sinh nhộn nhịp tại nhà xứ giáo xứ Tân Mai, Biên Hòa - Ảnh: GIA TIẾN Bên trong hang đá là 3 bức tượng thánh Giuse, mẹ Maria, chúa Giêsu bằng kích cỡ người thật. Phía bên phải là đàn tuần lộc kéo xe chở ông già Noel bay ở trên trời, và cũng to như thật. Bên trong các mô hình này có môtơ, giúp mô hình chuyển động như người thật. Bên phải của nhà thờ là nhà xứ (nơi ở của các linh mục) được thiết kế thành một khung cảnh rất đặc biệt: cảnh sinh hoạt của gia đình Chúa Giêsu. Đức Mẹ Maria ngồi thêu áo, ông Giuse thì bào gỗ (ông vốn là thợ mộc) còn Chúa Giêsu phụ cha đẽo gỗ. Giáo xứ Tân Mai nằm trên đường Phạm Văn Thuận, thuộc KP.5, P.Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai, cách trung tâm TP.HCM khoảng 30km. Ở hang đá trong các xóm xung quanh nhà thờ cũng đều có các mô hình chuyển động rất độc đáo. Những hang đá có quy mô lớn, chiếm trọn phần sân của 2-3 căn nhà, hoặc được dựng cao lên 5-6m. Giáo dân, du khách đi hết xóm này đến xóm khác để ngắm cả chục hang đá được đầu tư công phu, nghe dàn nhạc gồm 4 ông già Noel, thiên thần kéo chuông nhà thờ, thiên thần thổi kèn, ngắm Đức Mẹ Maria xay bột, ông già Noel đi trực thăng… Việc dựng hang đá lớn và sống động đã được giáo dân giáo xứ Tân Mai thực hiện hơn 20 năm qua, mỗi năm lại làm nên những điều bất ngờ cho du khách và cho những xóm đạo khác. Từ giữa tháng 12, du khách đã đến chiêm ngưỡng, vì nếu đến đúng đêm Giáng sinh 24-12, nơi này không còn chỗ để chen chân. Từ giữa tháng 12, mỗi đêm có hàng trăm người đến Tân Mai xem hang đá - Ảnh: GIA TIẾN Một hang đá lớn được dựng giữa lối đi trong xóm. Người dân theo bậc thang lên chiêm ngưỡng Chúa - Ảnh: GIA TIẾN Nhóm bạn trẻ đến chụp hình, quay phim - Ảnh: GIA TIẾN Ảnh: GIA TIẾN - VIỆT THÁI Một hang đá lớn được dựng ở cuối một con hẻm, có cây thông cao khoảng 3m - Ảnh: GIA TIẾN Đức Mẹ xay bột, ông Giuse ngồi nghỉ sau khi cưa gỗ. Sự sáng tạo của giáo dân Tân Mai luôn tạo bất ngờ cho du khách - Ảnh: GIA TIẾN Ban nhạc Những ông già Noel biểu diễn sát bên hang đá - Ảnh: GIA TIẾN Ông già Noel đi phát quà bằng trực thăng - Ảnh: GIA TIẾN Hang đá nào cũng đẹp, rực rỡ - Ảnh: GIA TIẾN GIA TIẾN |