đăng 02:21 10 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 02:22 10 thg 5, 2021
]
Nằm sát biển Thuận An là một làng cá nhỏ nhưng nhộn nhịp mỗi sớm chiều, khi ngư dân đưa những mẻ cá tươi về bờ.
Bức ảnh thu lại toàn cảnh xã Phú Hải, thuộc bộ ảnh “Hương sắc làng cá Phú Hải” do hai nhiếp ảnh gia xứ Huế, Nguyễn Phong và Kelvin Long, thực hiện. Ngoài các di tích, lăng tẩm nổi tiếng vùng đất cố đô, hai tác giả mong muốn giới thiệu thêm du lịch biển, đời sống ngư dân làng biển ở Huế đến với khách thập phương.
Xã Phú Hải, có diện tích khoảng 3,33 km2, phía đông giáp Biển Đông và phía tây giáp phá Tam Giang, cách trung tâm TP Huế khoảng 20 km. Xã có khu neo đậu, tránh trú bão và làng cá Phú Hải, nằm gần bãi biển Thuận An, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân ổn định và phát triển nghề cá.
Các tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu tại âu thuyền Phú Hải. Vào mùa mưa bão, khu neo đậu tránh trú bão này đủ cho hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ từ các xã Phú Hải, Phú Thuận, Phú Diên; thị trấn Thuận An và các vùng biển lân cận huyện Phú Vang.
Cách âu thuyền Phú Hải khoảng 300 m là làng cá Phú Hải, với các ghe thuyền nhỏ phục vụ bà con đánh bắt gần bờ. Đây là nơi tập trung cư dân của bốn thôn Cự Lại.
Hầu hết người dân ở đây làm nghề cá, nuôi trồng thủy sản từ khi còn rất trẻ. Vợ chồng anh Tám, chị Nở (ảnh) sinh sống ngay sát làng biển Phú Hải. Trước mỗi chuyến đánh bắt, cũng như những ngư dân khác, họ thắp hương cầu nguyện an toàn và được lộc biển.
Ngư dân dùng đòn gánh thuyền xoay vòng để đẩy thuyền ra biển. Một phương pháp khác thuận lợi và ít dùng sức ngư dân hơn là dùng xe đẩy thuyền. Tuy nhiên, không nhiều hộ có khả năng trang bị phương tiện này.
Vào những ngày sóng cao, công việc đưa thuyền ra biển vất vả hơn. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong cho biết ngư dân Phú Hải tùy theo mùa và thủy triều mà có thời gian đánh bắt khác nhau. Do đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến họ đi trong ngày thường rơi vào các khung giờ 16h - 4h sáng hoặc sáng sớm đến 14h.
Khoảnh khắc ngư dân phấn khởi khi trúng mẻ cá to được chụp bằng ống kính mắt cá tạo hiệu ứng ấn tượng. Dân Phú Hải ngoài thả lưới kéo cá còn câu thêm mực, sau mỗi chuyến đánh bắt hải sản bán được dao động từ 2 - 4 triệu đồng, có khi chỉ đủ tiền dầu cho thuyền ra vào.
Sau chuyến đi biển mệt nhọc, thuyền vào bờ đầy ắp lộc biển, điển hình là các loại cá khoai, cá trích, mực nang và ghẹ xanh. Trên ảnh là mẻ trứng mực.
Các ngư dân trao đổi, mua bán hải sản ngay trên bờ biển, hoặc khi trúng đậm thì mang ra bán ở chợ Cự Lại. Nếu có dịp ghé biển Thuận An, du khách có thể dành thêm thời gian trải nghiệm du lịch sinh thái, tìm hiểu đời sống ngư dân tại xã ven biển Phú Hải.
“Các tàu cá ở đây đều trang bị cờ đỏ sao vàng, được treo mỗi chuyến ra khơi, giúp các tàu nhận diện trên biển. Việc treo cờ còn là trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc vì biển cả là nguồn sống, là quê hương”, anh Tám nói.
Huỳnh Phương |
đăng 07:04 8 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
“Đời bềnh bồng xuôi con nước nhấp nhô/ Mặc ngày tháng đẩy xô theo sóng bạc/ Bởi tên em chỉ là loài hoa dại/ Hương lục bình còn đọng mãi trong tôi”. Là loài hoa nở vào mùa hè nhưng có thể vì cái sự lênh đênh, bất định của nó mà lục bình không được người ta nhắc nhiều như những chùm phượng vĩ đỏ rực hay sắc tím mộng mơ của bằng lăng. Thế nhưng, những bông hoa lục bình không còn xa lạ với nhiều người, mỗi lần bắt gặp chúng ở đâu đó, nó lại gợi nhớ cả một miền quê trong ký ức!
Sắc tím hoa lục bình Chính sự mộc mạc, dân dã và bồng bềnh cùng sông nước, lục bình mang đến nhiều cảm xúc cho nhiều thi sĩ. “Lục bình ai thả trôi sông/Mà sao tím cả mấy dòng sông quê/Xa nhà xa mấy triền đê/Mà nghe thương nhớ lối về mênh mông” hay “Lênh đênh con nước triều dâng/ Bềnh bồng xuôi dạt xót thân lục bình/ Lá màu xanh biếc lung linh/ Hoa tim tím nhớ gợi tình thủy chung”. Hoa lục bình nở vào độ tháng 4. Loài hoa có sắc tím thân thương, mang nét đẹp của sự thủy chung nhưng đượm chút ưu buồn.Hoa tuy đẹp, nếu đặt cạnh hoa sen hay hoa súng trong ao hồ thì hoa lục bình chưa chắc đã kém sắc. Song, sắc đẹp của loài hoa trôi dạt ấy khá trống vắng, “sớm nở, tối tàn”. Hoa dẫu đẹp nhưng người yêu hoa không nỡ hái. Đôi khi chỉ là được nhìn ngắm mấy bụi lục bình xanh um đang vào mùa nở hoa làm tím cả khúc sông, nối đuôi nhau trôi liu riu theo con nước vô tình, vậy mà lại khiến lòng người buồn man mác!Thế là, mỗi độ hoa lục bình nở, từng con sông, rạch, ao hồ như được khoác lên mình một tấm áo mới. Hoa có sức sống mãnh liệt, chỉ cần được cắm rễ xuống nước, chẳng mấy chốc cả ao hồ đặc một màu xanh tươi mát. Dù không được ca ngợi như nhiều loài hoa khác, nhưng lục bình đã trở thành một hình ảnh không thể quên trong ký ức nhiều người, nhất là lứa được gọi là 8X, 9X như chúng tôi. Ngày đó, những chuyến về quê ngoại nghỉ hè của chị em tôi đơn giản là được thỏa thích vui đùa cùng mấy đứa nhỏ trong xóm. Nào là ô ăn quan, nhảy dây, cò chẹp, cất nhà chòi… Mà hễ cất nhà chòi là phải cử một đứa biết bơi, xuống cây cầu ở mé sông hái mấy cọng lục bình, có hoa càng tốt.Cọng lục bình được mặc định là thức ăn trong buổi chơi nhà chòi. Còn hoa lục bình để mấy cô bé điệu cài tóc, hay cầm tay chơi trò “cô dâu, chú rể”. Vậy đó, ngày nào chơi xong cả đám cũng để lại bãi “chiến trường” cho người lớn thu dọn. Còn lục bình thì nằm rải rác khắp nơi. Trò chơi trẻ con vậy thôi, mỗi lần nhớ lại cũng làm ta bật cười, muốn xin lắm “một vé đi về tuổi thơ”!Giờ thì, lục bình còn mang đến rất nhiều công dụng, là nguyên liệu có giá trị cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, . Ngày xưa, vì sự sinh sôi nhanh của lục bình, người dân quê vẫn thường đau đầu, lo ngại đám lục bình ngăn dòng nước, ảnh hưởng kênh, rạch. Rồi hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình ra đời, như: nón, giỏ, túi xách, ghế, thảm… không những "giải bài toán" trên mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi vùng quê. Mà sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình được thị trường ưa chuộng và đón nhận, không chỉ vì sự độc, lạ mà còn vì sự thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Cọng lục bình trôi sông giờ đã được nâng tầm, thành sản phẩm thiết thực, vừa để trang trí, vừa là vật hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Không những thế, cây lục bình non, hoa lục bình ngọt mát có thể ăn được, người dân ở nhiều nơi thường dùng để chế biến nhiều món ngon. Bông lục bình vào giữa mùa mưa tươi tốt, dài độ 2 gang tay, cọng rất mềm, tách nhẹ là đã rời khỏi cuống. Hái phần non ấy về, giũ sạch từng bông phòng có sâu bọ, côn trùng, rửa sạch là có thể mang chế biến với món ăn tùy thích. Bông lục bình không mùi, vị ngọt thanh nên ai cũng có thể ăn được. Nào là lục bình ngâm nước muối bóp nhẹ, để ráo ăn kèm với rau thơm kèm nước chấm.Hay làm món ngó lục bình xào tép, gỏi lục bình, hoa lục bình xào thịt bò, canh chua bông lục bình hay đơn giản chỉ là lục bình non chấm cá kho. Món ăn dân dã ấy chưa chắc nhiều người ở phố thị đã biết. Nhưng từ lâu, lục bình đã là món ăn dân dã trong các mâm cơm thường ngày của bà con ở miệt vườn. Nó còn được dùng làm những món độc đáo, bên cạnh những thứ “hương đồng cỏ nội”, như: bông súng, ngó sen, tai tượng.Như với món lục bình xào tép đồng, trước hết phải chọn ra những cọng lục bình non tơ mơn mởn, cắt ra từng khúc dài, rửa sạch xong bóp cho ráo nước. Tép đồng tươi mang ướp với hành, tiêu, tỏi, nước mắm rồi xào. Sau đó, cho lục bình đã sơ chế vào, tiếp tục xào cho thật đều và nêm nếm trước khi bắc xuống bếp. Đừng để cọng lục bình chín quá sẽ mất ngon. Cọng lục bình vừa mềm, vừa thơm ngon, vị lại ngọt, tính mát và có mùi đặc trưng ăn với vị ngọt của tép đồng cùng chén nước mắm cay nồng sẽ là món ăn bắt cơm của nhiều gia đình!Lênh đênh, mộc mạc là vậy nhưng lục bình vẫn rất hữu dụng nếu như biết tận dụng. Lục bình có thể ra phố với hình hài đồ thủ công mỹ nghệ hay dân dã trên mâm cơm quê với những món xào, nấu đơn giản. “Về miền Tây ngắm cánh lục bình/ Bông hoa tim tím mỏng xinh xinh/ Lững lờ trôi nổi theo dòng nước/ Mơn man gió thổi cánh rung rinh” - lục bình là vậy, bao đời vẫn rất mộc mạc, dân dã.PHƯƠNG LAN |
đăng 05:35 1 thg 5, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Làng chài Mân Thái bên chân núi Sơn Trà vẫn giữ cho mình được sự nhộn nhịp trong cuộc sống mưu sinh của các ngư dân gắn liền với chiếc thuyền thúng, vài tấm lưới mỗi ngày.
Bình minh ở làng chài Mân Thái. Tọa lạc ở phía Đông TP. Đà Nẵng, nằm lọt dưới chân bán đảo Sơn Trà, làng chài cổ Mân Thái được ví là một trong những làng chài đẹp nhất Nam Trung Bộ.Mặc cho TP. Đà Nẵng trở mình với nhịp sống ồn ào của phố thị thì làng chài Mân Thái vẫn bình yên trong sự mộc mạc, bình dị, chan hòa của con người với thiên nhiên nơi đây.
Mặc nhịp sống ồn ào của phố thị, làng chài Mân Thái vẫn bình yên trong sự mộc mạc, bình dị. Chẳng ai biết làng chài có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi Sơn Trà còn hoang vắng, người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản để mưu sinh, rồi lập làng. Lâu dần, ngôi làng chài nằm giữa phố trở thành bến đậu bình yên, nuôi dưỡng biết bao thế hệ người con Mân Thái.
Người làng Mân Thái vẫn giữ nghề chài lưới mưu sinh qua bao thế hệ. Là một làng chài mang đậm đặc trưng của người vùng biển, thế nên cuộc sống của người dân ở Mân Thái xem đại dương là ngôi nhà thứ hai của mình. Với họ biển là làng mà làng cũng là biển, cả cuộc đời của họ gắn liền với biển, ngay cả lúc quay về nhà, họ vẫn nghe tiếng sóng biển rì rào bên tai.
Nhộn nhịp nhất ở làng chài này là vào lúc sáng mai. Trong ánh bình minh đang ló dạng, tiếng í ới gọi nhau của bạn thuyền cùng tiếng du khách vang động như đánh thức cả một vùng Sơn Trà đang còn ngái ngủ.
Làng chài nhộn nhịp nhất vào những sớm mai. Phía ngoài xa con nước chồm lên bạc đầu là hàng trăm ngư dân đánh thuyền thúng ra khơi. Ở gần mép nước, những ngư dân bắt đầu kéo lưới trong ánh sáng chớm bừng của bình minh. Những người đàn ông căng mình kéo lưới, đôi bàn tay thoăn thoắt, những bước chân vững chãi trên mép sóng.
Từ những chiếc thuyền thúng trĩu nặng đang cập bến sau một đêm mưu sinh. Những con cá tươi ngon thân bạc trắng theo đôi quang gánh của các chị, các mẹ tỏa đi các chợ ở Đà Nẵng cho kịp buổi chợ sáng.
Hải sản làng chài theo chân các bà, các mẹ ra chợ sớm. Trên bãi cát ven biển có không ít người phụ nữ đội nón lá hay nón vải trên đầu, tay cầm thúng mủng đứng đón những chiếc thuyền thúng chở đầy mẻ cá cập bờ. Đó là những người vợ đợi chồng về sau một đêm đi biển. Mặc cho cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng người làng Mân Thái vẫn nở trên môi nụ cười hiền hậu đón khách phương xa.
Đều đặn như vậy, sáng sớm trên bãi biển làng chài, những ngư dân với gương mặt chai sạm của thời gian với nước da đen mặn mòi miền biển trở về trên những con thuyền đầy ắp tôm cá cùng nụ cười rực rỡ...
Khi con thuyền nằm im bến nghỉ, những trai tráng cũng trở về với gia đình sau một đêm dài mưu sinh trên biển.
Buổi chợ tan, người làng mới về ngơi nghỉ. Mân Thái là vậy đó! Một làng chài nhỏ hiền hòa, bình dị, nơi đó hiện lên vẻ đẹp đời thường của những ngư dân với màu da rám nắng, cái nắng cháy của miền biển, vị muối hòa với vị tanh của hải sản. Sớm mai thôi, lại là một ngày tất bật ra khơi để lo cho cuộc sống gia đình.Hoài Sơn |
đăng 06:42 22 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
[
đã cập nhật 06:33 26 thg 4, 2021
]
Đảo Nhất Tự Sơn, Mũi Điện, Gành Đá Đĩa cùng với cảnh phơi cá cơm sấy, nuôi tôm hùm hiện lên vẻ đẹp, nhịp sống biển đảo đầy sắc màu.
Đảo Nhất Tự Sơn (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) huyền ảo trong làn mây lúc 7h. Đây là một trong những đảo đẹp nhất vịnh Xuân Đài, có thiên nhiên đa dạng, với điểm đặc trưng là con đường vượt biển ra đảo dài khoảng 300 m chỉ hiện ra khi thủy triều rút. Ngoài ra, TX Sông Cầu còn có vùng biển đẹp Vịnh Hòa và làng chài Xuân Hải đáng để du khách tham quan. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Cảnh sắc biển đảo Phú Yên” của nhiếp ảnh gia Lê Chí Trung (1989), hiện công tác tại UBND phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu.
Quang cảnh Mũi Điện lúc hơn 6h. Điểm cực đông Mũi Điện (hay Mũi Đại Lãnh) là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền ở Việt Nam. Mũi thuộc xã Hòa Tâm, TX Đông Hòa, nằm cách TP Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 35 km. Du khách thường cắm trại qua đêm để ngắm khoảnh khắc mặt trời nhô lên từ mặt biển. Hải đăng Mũi Điện có khối hình trụ, cao 26,5 m so với nền công trình và cao 110 m so mặt nước biển. Công trình còn giữ nhiều dấu tích do người Pháp xây dựng gần 130 năm trước. Đứng từ ngọn tháp đèn, du khách có thể thấy toàn cảnh khu vực biển Bãi Môn.
Hải đăng Gành Đèn nằm cách Gành Đá Đĩa khoảng 1 km về phía bắc, thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ngọn hải đăng này có hai màu đỏ, trắng, có độ cao 22 m so với mực nước biển, phát nguồn sáng cho tàu thuyền ra, vào vịnh Xuân Đài. Đứng trên Gành Đèn có thể quan sát vùng biển mênh mông phía đông và cảnh tàu thuyền đánh cá. Với vị trí quan trọng như trên, Hải đăng Gành Đèn là một điểm du lịch hấp dẫn, vừa là “mắt biển”, vừa góp phần quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Gành Đá Đĩa, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An huyền ảo lúc rạng đông. Nơi này được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2020. Gành đá này có diện tích khoảng 2 km2, chỗ hẹp nhất 50 m, nơi dài nhất 200 m, hình thành hàng triệu năm trước. Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác, giống như đĩa xếp chồng lên nhau nên có tên gọi là gành Đá Đĩa. Bao quanh gành đá là bãi cát hình lưỡi liềm dài khoảng 3 km.
Cách Gành Đá Đĩa khoảng 100 m là Bãi Bàng ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Đây là một bãi cát trải dài khoảng 300 m, kèm với bãi đá vôi cổ quanh năm chìm trong nước biển. “Vào những ngày thủy triều cạn, Bãi Bàng đẹp kỳ vĩ khi khối đá vôi nhiều đường nét khác nhau lộ thiên. Đặc biệt từ tháng 2 - 4 hàng năm, các khối đá này được phủ lên mình một lớp rong mơ vàng óng, đây cũng là thời điểm thu hút các nhiếp ảnh gia tìm đến sáng tác”, anh Chí Trung cho biết.
Đến với xã An Hòa Hải, du khách còn được trải nghiệm nghề nuôi tôm hùm trong lồng dọc theo vùng bờ biển. Các lồng nuôi tôm trông giống như bức họa trên biển với góc chụp trên cao.
Vùng biển Hòn Yến còn là nơi ngư dân đánh bắt cá cơm. Trong quá trình ngư dân thả lưới xanh, vây đánh cá trên biển tạo ra các hình dạng “hoa lưới” khác nhau, vẽ nên bức tranh sinh động cho các tay máy sáng tác.
Người dân phơi cá cơm sấy tại thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Hòa An phát triển làng nghề hấp sấy cá cơm, hoạt động tập trung từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch hàng năm, thời điểm cá cơm xuất hiện nhiều. Cá cơm đánh bắt được bán cho các lò hấp sấy thủ công, qua ba công đoạn lựa, hấp và phơi. Sau khi phơi, cá đạt tiêu chuẩn được bán cho thương lái, còn lại làm nước mắm.
Toàn cảnh hành lang bảo vệ bờ biển Phú Yên, địa phận Khu tái định cư Lễ Thịnh, thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ven biển là hàng trăm tàu thuyền neo đậu, chụp lúc hơn 7h sáng. Cá cơm và tôm hùm giống là đặc sản của làng biển này.
Rêu xanh bám trên các tảng đá, phía xa là quang cảnh hòn Yến (phải) và hòn Đụn (trái), nằm cách bờ khoảng 100 m. Màu xanh da trời cùng màu xanh của nước biển lẫn với màu xanh rong rêu mang đến bức tranh cuốn hút. Hai hòn này nằm trong quần thể Hòn yến thuộc xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 20 km, được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia năm 2018. Theo anh Chí Trung, khi thủy triều rút, du khách có thể lội bộ ra hòn tham quan, nhưng lưu ý bên dưới có nhiều đá, khá gập ghềnh. Đặc biệt khi săn ảnh, tránh giẫm đạp lên rạn san hô cạn, sao biển nơi đây.
Các mảng màu sắc của đìa nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch, thị xã Đông Hòa.
Hoàng hôn trên đầm Ô Loan, với ray sáng hình rẻ quạt được chụp khoảng 18h, điểm xuyết là những chiếc thuyền (dân địa phương gọi là sõng). Đây là đầm nước lợ nằm ở phía nam huyện Tuy An, được che chắn bởi núi Đồng Cháy, núi Cấm và cồn cát An Hải. Là di tích danh thắng cấp quốc gia được công nhận năm 1996, đầm có diện tích mặt nước 1.570 ha, độ sâu trung bình khoảng 1,3m, thông với biển Đông qua cửa Lễ Thịnh và Tân Quy. Đầm có nhiều đặc sản như tôm, cá, ghẹ, cua huỳnh đế, điệp, cá mú nhưng ngon nhưng nổi tiếng nhất vẫn là sò huyết Ô Loan cơm dày, thịt ngọt và thơm. Huỳnh Phương |
đăng 06:27 22 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Dù là khi nước cạn hay khi thủy triều lên, bãi biển Đồng Châu (Thái Bình) vẫn thu hút nhiều tay "săn" ảnh bởi vẻ đẹp bình dị, hoang sơ trên những "cánh đồng" nuôi ngao.
Bãi biển Đồng Châu thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 30km là nơi có những cánh đồng nuôi ngao rộng bát ngát, trải dài như ôm ra biển lớn.
Dù không phải bãi biển đẹp để khai thác du lịch nhưng Đồng Châu lại là nơi tuyệt vời để canh tác và nuôi trồng ngao. Mỗi bãi ngao được nuôi trong vòng 15 tháng là có thể thu hoạch.
Trung bình mỗi "vựa" ngao sẽ cho thu hoạch khoảng 50 tấn từ 10 tấn ngao giống được thả xuống ban đầu. Đến mùa vụ, từng tốp vài chục người cùng nhau làm liên tục suốt cả ngày thì mới có thể thu hoạch xong một ruộng ngao.
Những chiếc chòi canh ngao cao lớn dưới ánh hoàng hôn, in bóng xuống mặt nước tạo khung cảnh thơ mộng, bình dị. Ngay cả khi nước cạn, thủy triều rút để lộ những bãi cát thoai thoải, nơi đây cũng trở thành nguồn cảm hứng thu hút các nhiếp ảnh gia.
Khi thủy triều lên, nước từ biển bắt đầu tràn vào các bãi ngao rộng lớn. Những cánh đồng mang màu nâu của bùn đất dần bị "nhuộm" xanh bởi nước biển.
Người dân dùng lưới quây, phân chia các bãi ngao trên vùng đất bùn pha cát rộng lớn, tạo một lối đi nhỏ dọc khắp cánh đồng.
Không gian bao la, bát ngát như không có điểm kết thúc. Những chiếc chòi canh cao lớn nổi bật giữa vùng nuôi ngao.
Ánh bình minh lan tỏa khắp không gian, in bóng xuống mặt nước lấp lánh.
Công việc cào ngao của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào thời điểm thủy triều lên xuống.
Mùa hè, nước lên buổi chiều và rút khi đêm xuống, còn mùa đông thì ngược lại. Chỉ khi nước rút, để lộ những bãi ngao thoai thoải, người ta mới bắt đầu cào ngao.
Những chiếc thuyền chở ngao đậu im lìm, dập dềnh theo kênh nước giữa cánh đồng, tạo khung cảnh thanh bình và thơ mộng.
Vẻ đẹp kỳ ảo trên cánh đồng nuôi ngao vào ban đêm. Phía xa là ánh sáng của những chiếc thuyền đánh cá ngoài biển.
Đi hết cánh đồng là đến đầm nuôi tôm ở bãi biển Đồng Châu. Tùy theo loại vải bạt được người dân sử dụng để trải lót phía dưới mà mỗi ô đầm lại có một màu sắc khác nhau. Khung cảnh đầm tôm nhìn từ trên cao như những khuôn thạch rau câu khổng lồ nhiều màu đẹp mắt, thu hút các tay "săn" ảnh. Thảo Trinh - Ảnh: Tiến Nguyễn |
đăng 07:17 21 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Sắc vàng của hoa lim xẹt khiến cho một góc bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) trở nên nổi bật. Những cây mọc dọc con đường núi uốn lượn với những tán vàng rực níu chân du khách khi ghé lại nơi đây.
Tháng 4 về, lim xẹt nở vàng rực khắp núi rừng bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Vào hè, bán đảo Sơn Trà trở nên rực rỡ nhờ sắc hoa lim xẹt. Những cánh hoa màu vàng rực rỡ xen giữa màu lá xanh trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan.
Cánh rừng Sơn Trà phía từ đường Yết Kiêu (gần khu vực cảng Tiên Sa) đi lên là địa hạt của lim xẹt. Từ trung tâm Đà Nẵng, đi theo đường Yết Kiêu đến gần khu vực cảng Tiên Sa, du khách di chuyển theo con đường dốc uốn quanh vách núi dẫn lên Sơn Trà. Chỉ đi khoảng 2km, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp sắc vàng nổi bật của lim xẹt.
Những cây hoa mọc lâu năm, cao lớn đến tầm chục mét chen chân thành cụm ở bán đảo Sơn Trà, phía mũi Tiên Sa.
Mùa hoa lim xẹt bắt đầu từ cuối tháng 3 vắt sang tháng tư và mùa hoa cũng ngắn ngủi chỉ tầm hơn một tháng mỗi năm. Từ cuối tháng 3, hoa lim xẹt (còn gọi là hoa điệp vàng, hoa phượng vàng, muồng kim phượng, lim sét...) bắt đầu trổ hoa rực rỡ trên bán đảo Sơn Trà.
Ở bán đảo Sơn Trà, cây lim xẹt là nơi trú ngụ của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp những cá thể voọc đu đưa trên những cành hoa lim xẹt.
Du khách may mắn trên cung đường phượt bán đảo Sơn Trà có thể thấy vọoc chà vá chân nâu dưới những tán cây lim xẹt. Thời gian ngắm hoa và voọc đẹp nhất là sáng sớm và chiều mát, đây là thời điểm đàn voọc chà vá chân nâu, cùng các loài động vật khác kéo ra kiếm ăn trên những tán cây cao.
Thiên nhiên mỗi mùa mỗi vẻ đẹp ở bán đảo Sơn Trà thu hút du khách và cả cánh nhiếp ảnh gia mỗi sớm chiều tìm đến để "săn" ảnh. Anh Phạm Văn Phùng (quận Hải Châu) - một người đam mê chụp ảnh cho hay, một năm ở bán đảo Sơn Trà chỉ có một mùa hoa lim xẹt, vì thế giới nhiếp ảnh ai cũng muốn "săn" được một tấm ảnh voọc kiếm ăn dưới những tán hoa vàng rực rỡ."Đây là khung cảnh tuyệt vời và rất đáng trông đợi. Bởi vậy, thời điểm này trong năm, các tay máy và cả du khách đổ về đây rất nhiều. Mấy hôm trước, người về chụp ảnh voọc và hoa lim xẹt đông lắm, có những người từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng về chụp" - anh Phùng chia sẻ.Nguyễn Tri |
đăng 02:17 19 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Mùa sưa đã về nở vàng rực bên dòng sông Tam Kỳ thơ mộng, sưa vàng cả một tuyến phố Tam Kỳ; du khách thích thú thưởng lãm hoa sưa và lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp với hoa sưa.
Tháng Tư hàng năm, người dân làng Hương Trà nói riêng và phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) nói chung đều rất bồi hồi và tự hào về mùa hoa sưa vàng nở rộ trên con đường dài khoảng 3km chạy bên bờ sông Tam Kỳ thơ mộng.
Theo Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Tam Kỳ cho hay, lễ hội hoa sưa diễn ra từ ngày 3-17/4 năm nay dự kiến sẽ đón khoảng 8.000 du khách về đây để thưởng lãm và vui chơi.
Đến thưởng lãm mùa hoa sưa năm nay, ngoài được đắm mình với sắc vàng rực rỡ, huyền ảo, du khách còn tham dự các hoạt động ý nghĩa và sinh động ở đây.
Chị em phụ nữ xúng xính trong tà áo dài chụp hình ở Vườn Cừa, làng Hương Trà, phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ - nơi tổ chức lễ hội hoa sưa hàng năm. Theo thống kê của UBND phường Hòa Hương, hiện nay, trên con đường này có khoảng 180 cây sưa các loại có tuổi đời từ 40-500 năm tuổi.
Những bức ảnh chụp với hoa sưa ở Vườn Cừa trong dịp lễ hội hoa sưa năm nay là món ăn tinh thần của chị em phụ nữ.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố Tam Kỳ không tổ chức lễ hội mà chỉ triển khai một số hoạt động thiết thực để phục vụ người dân khi đến thưởng lãm hoa sưa, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố và làng sinh thái Hương Trà trở thành điểm đến của du lịch Quảng Nam.
Những tán hoa sưa vàng rực cả một góc trời ở thành phố Tam Kỳ, tô điểm thêm cho sắc màu của thành phố yên bình trong những ngày đầu tháng Tư này.
Vào thời gian này, khắp mọi ngả đường ở thành phố Tam Kỳ vàng ruộm sắc hoa sưa cùng hương thơm dịu dàng, quyến rũ làm say đắm lòng người. Mỗi khi trời có gió, hoa sưa bay khắp không gian trong thành phố, vương lên tóc, quần áo của du khách. |
đăng 02:09 19 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Dưới tiết trời mát mẻ của miền núi Lai Châu, xen giữa những rừng cây xanh trên đỉnh Pu Ta Leng là sắc tím đằm thắm, quý phái của hoa đỗ quyên đầu mùa.
Rời xa sắc hồng của cánh hoa đào dịp Tết, bầu trời Tây Bắc tháng 4 được làm đẹp bởi mùa hoa đỗ quyên tím đằm thắm, nhẹ nhàng. Hoa đỗ quyên (sơn trà hoa, sơn thạch lựu, mãn sơn hồng) là loài hoa thuộc họ thạch nam, mọc chủ yếu ở vùng ôn đới như vùng núi và các tỉnh phía Bắc. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Sắc tím của hoa đỗ quyên nổi bật trên nền trời xanh ngát của miền núi Tây Bắc. Đỗ quyên rừng mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nhưng lại ngọt ngào, đằm thắm. Cánh hoa to, nở thành chùm, mềm mại và tỏa hương thơm khắp bìa rừng Pu Ta Leng. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Lấp ló sau những rặng cây già, hoa đỗ quyên khiến các du khách tham quan thích thú và say đắm. Từng chùm hoa nhỏ, vươn cao đung đưa trước từng đợt gió đầu mùa se lạnh. Tháng 4 trở thành cơ hội để hoa đỗ quyên "thống trị" cả núi rừng Lai Châu. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Chùm hoa đỗ quyên chúm chím sắc tím hồng, hương thơm thanh thanh, nhẹ dịu tỏa khắp nẻo đường "nóc nhà thứ hai của Đông Dương". Hoa đỗ quyên trở thành một biểu tượng đẹp của núi rừng Tây Bắc, hoa mang lại cảm giác về nét đẹp dịu dàng, duyên dáng của cô gái miền sơn cước. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Ngắm hoa đỗ quyên để thấy Tây Bắc thật đẹp, về lại với miền rừng núi như tìm về miền ký ức cổ xưa. Miền ký ức ấy không xô bồ, náo nhiệt mà nhẹ nhàng, đằm thắm. Hoa đỗ quyên, một loài hoa giản dị, chân chất mà dịu dàng khó quên. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Ở Lai Châu, đỗ quyên rừng xuất hiện chủ yếu tại đỉnh Pu Ta Leng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc địa phận xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Đây được coi là địa điểm đắt giá nhất để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của hoa đỗ quyên rừng. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Càng lên cao, những chùm hoa đỗ quyên mọc càng dày, dưới chân hoa phủ kín những tảng đá lớn. Phóng tầm mắt ra xa, ai đến đây cũng choáng ngợp bởi không gian rộng mở, từng lùm cây đỗ quyên mọc san sát như vẫy gọi du khách khám phá. (Ảnh: Ngô Thanh Hải).
Cứ thử một lần đến thăm Pu Ta Leng (Lai Châu) vào mùa hoa đỗ quyên, vừa ngắm hoa vừa tận hưởng không gian yên bình, hoang vu nơi gặp gỡ của đất trời. (Ảnh: Ngô Thanh Hải). Phương Nga |
đăng 00:54 16 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Từ cuối tháng Giêng đến nay, hàng trăm cây trang rừng cổ thụ nở hoa rực rỡ, phủ kín hai bên bờ suối Tà Má chảy qua thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh. Hàng ngàn lượt du khách đã đổ về chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm với loài hoa rừng độc đáo này. Thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp nằm cách trung tâm huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định khoảng 7 km. Nơi đây chủ yếu là đồng bào thiểu số Ba Na sinh sống. Gần đây hàng trăm gốc trang rừng cổ thụ trải dài hơn 1 km dọc suối Tà Má chảy qua thôn Hà Ri nở rộ, với những chùm sắc vàng cam, pha đỏ phủ kín tán cây, tạo nên khung cảnh đẹp nên thơ. Từ một nơi ít được du khách biết tới, làng quê miền núi bỗng trở nên nhộn nhịp, hàng ngàn lượt du khách đổ về ngắm hoa, chụp ảnh lưu niệm. Ai cũng háo hức được ngắm, chụp ảnh với loài hoa rừng độc đáo này.
Hoa trang nở rộ từ cuối tháng Giêng đến nay.
Hoa trang rừng hay còn gọi trang nước có màu sắc sặc sỡ. Theo người dân thôn Hà Ri, hoa trang rừng hay còn gọi là hoa trang nước mọc hai bên bờ suối Tà Má, có hình dáng tựa như hoa trang ở đồng bằng nhưng mọc theo chùm và trải dài khắp tán cây. Hoa có màu sắc vàng cam hoặc đỏ và chỉ nở vào mùa xuân. Hoa trang rừng có hương thơm nhè nhẹ, phảng phất trong không gian cùng với dòng suối mát chảy róc rách đã tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên hiền hòa, mát mẻ, dễ chịu.
Năm nay, thời tiết nắng ấm nhưng không khí vẫn se lạnh nên hoa trang rừng nở rộ, tạo nên cảnh sắc đẹp thơ mộng. Từ cuối tháng Giêng đến nay, hàng trăm cây trang rừng cổ thụ nở hoa rực rỡ, phủ kín hai bên bờ suối Tà Má dài hơn 1km. Ban đầu, chỉ một số người dân địa phương đến thưởng ngoạn, chụp ảnh rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Sau đó, những bức ảnh hoa trang rừng với những sắc màu tuyệt đẹp phủ kín bên dòng suối Tà Má thơ mộng đã hút du khách.
Trang nước nở rộ vàng rực một góc núi rừng Vĩnh Thạnh. Từ thành phố Quy Nhơn lên xã Vĩnh Hiệp khoảng 70km, mất khoảng hơn 1 giờ đi ô tô. Trung bình mỗi ngày có từ 3.000 đến 4.000 lượt người lên Vĩnh Thạnh ngắm hoa trang. Ấn tượng và thích thú là cảm nhận chung của nhiều người khi đến tham quan suối Tà Má với hàng cây trang rừng cổ thụ trong những ngày gần đây. Một du khách lặn lội từ tỉnh Gia Lai về Bình Định chia sẻ: “Lần đầu tiên đến nơi này em thấy hoa nở rất nhiều, rất đẹp và khung cảnh nơi đây rất trong lành, mát mẻ. Tới đây không khí tập trung gia đình rất vui.”
Những gốc cây cổ thụ nở hoa rất nên thơ dọc dòng suối nhỏ.
Khách du lịch đổ về Vĩnh Thạnh ngắm hoa trang. Hiện, UBND huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện phối hợp cùng xã Vĩnh Hiệp và cộng đồng cư dân thôn Hà Ri lập Đề án khai thác tiềm năng du lịch theo hướng du lịch cộng đồng, gắn cảnh đẹp thiên nhiên với bản sắc văn hóa đặc trưng của người Ba Na nơi đây.Ông Lương Quang Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh cho biết, đây là cơ hội để địa phương phát triển du lịch nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức khi lượng khách đổ về quá đông.“Lượng khách đông như thế này thì cũng gây ra khó khăn, ví dụ như vấn đề vệ sinh môi trường cũng như an ninh trật tư. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng đoàn thanh niên huyện và xã hàng ngày dọn dẹp vệ sinh môi trường. Về vấn đề an ninh trật tự thì chúng tôi chỉ đạo cho lực lựng công an có mặt thường xuyên trên địa bàn để phân luồng giao thông" - ông Lương Quang Nghị cho biết.Thành Long |
đăng 01:58 4 thg 4, 2021 bởi Pham Hoai Nhan
Trải dài trên diện tích hàng trăm ha, cánh đồng muối Hòn Khói thu hút du khách với sự hòa trộn giữa nét đẹp lao động và khung cảnh thiên nhiên.
Hòn Khói thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 45 km. Với diện tích khoảng 400 ha, đây được xem là một trong những cánh đồng muối lớn nhất Việt Nam. Không khí làm việc tất bật của diêm dân (người làm nghề muối) tại đây bắt đầu khi bình minh ló rạng và kết thúc trong ánh hoàng hôn. Ảnh: Kelvin.
Từ sáng sớm, nước biển được dẫn vào những cánh đồng, giữa trời nắng gắt, diêm dân cào muối thành từng ụ nhỏ để phơi khô. Khi hoàng hôn buông xuống, họ gánh muối, đưa về cơ sở chế biến. Ảnh: Kelvin.
Nghề làm muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trời càng nắng muối càng thu hoạch được nhiều. Nếu trời mưa bất chợt khi muối chưa đủ độ để cạo, thu hoạch ngày hôm đó coi như mất trắng. Ảnh: Phong Nguyen.
Vụ muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7. Đặc biệt tháng 4 và tháng 6 khi có những ngọn gió nồm thổi về, nắng trở nên gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị. Ảnh: Kelvin.
Hình ảnh diêm dân đầu đội nón lá, gánh nhưng rổ muỗi trắng tinh soi bóng xuống ruộng muối, mặt nước như gương phản chiếu màu xanh của bầu trời là hình ảnh đẹp của con người hòa lẫn với thiên nhiên.
Ruộng muối như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu hình ảnh mây trời. Ảnh: Phong Nguyen
Dưới ánh bình minh hay khi nắng chiều đang dần tắt, những cánh đồng muối đẹp như một bức tranh, vừa bình yên, vừa mộc mạc. Để chụp những bức ảnh đẹp, du khách có thể đến Hòn Khói vào sáng sớm và chiêm ngưỡng khung cảnh tất bật làm việc của diêm dân trong ánh bình minh. Ảnh: Kelvin. Phạm An |
|